Hy vọng từ một sáng kiến

Theo thông báo từ điện Elysée (Pháp), 75 hãng công nghệ lớn, trong đó có các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Facebook, Microsoft, Twitter, Snapchat và Huawei, đã cam kết thực hiện sáng kiến “Tech For Good Call” do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng từ năm 2018.

“Tech For Good Call” bao gồm 8 cam kết về việc tham gia các quy tắc không gian kỹ thuật số, tập trung vào các biện pháp minh bạch để ngăn chặn việc phổ biến nội dung liên quan tới khiêu dâm trẻ em, chủ nghĩa khủng bố hay bạo lực cực đoan, cũng như phát triển các giao thức để đối phó với các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, như một vụ tấn công khủng bố. Các biện pháp này cũng sẽ đảm bảo cho người sử dụng có quyền tự do lựa chọn.

Mục đích của sáng kiến “Tech For Good Call” là nhằm đưa ra các nguyên tắc và giá trị để đảm bảo rằng mạng Internet trở thành không gian tự do, cởi mở và an toàn ở cấp độ toàn cầu. Không chỉ đáp ứng về mặt an ninh cho người sử dụng, với việc tham gia sáng kiến này, các hãng công nghệ cũng cam kết thực hiện trách nhiệm kinh tế và xã hội bằng cách đóng góp thuế một cách công bằng cho cơ quan thuế của các quốc gia sở tại mà họ hoạt động.

Vấn đề nộp thuế tại các nước nơi các hãng công nghệ hoạt động vốn là chủ đề nhạy cảm trong nhiều năm trở lại đây. Theo luật của Liên minh châu Âu (EU), các công ty có trụ sở tại Mỹ có thể khai báo lợi nhuận tại EU từ một quốc gia thành viên. Để tránh nộp thuế cao, 5 tập đoàn Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft đã tìm đến các “thiên đường trốn thuế” hoặc chuyển lợi nhuận qua các nước áp thuế thấp như Ireland hay Hà Lan thuộc EU. Dù lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi các tập đoàn này, song họ chỉ trả bình quân 9% thuế thu nhập, còn các doanh nghiệp truyền thống phải trả tới 23%.

Cuộc tranh cãi về chiêu thức “lách” thuế kỹ thuật số giữa Mỹ và EU vẫn chưa có hồi kết trong bối cảnh các luật về thuế quốc tế của EU đã lỗi thời, mà Mỹ thì liên tục phản đối. Ngay cả khi Pháp đã đạt được một thỏa thuận thuế kỹ thuật số mang tính toàn cầu với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2019, thì thỏa thuận vẫn không thể ra đời năm 2020 vì bị Mỹ “lật kèo”. Theo quan điểm của Chính phủ Mỹ, loại thuế này là không công bằng với các hãng công nghệ số và gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương sau một thời gian tạm lắng lại vừa mới nóng lên khi ngày 25-11, bất chấp cảnh báo đáp trả của Washington, Pháp tuyên bố sẽ đánh thuế Google, Apple, Facebook… dựa trên thu nhập của các tập đoàn này trong năm 2020.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra những tổn thất nặng nề tới nền kinh tế thế giới, sự kiện 75 hãng công nghệ lớn cam kết tuân thủ các nguyên tắc an toàn và trách nhiệm kinh tế xã hội của Pháp là một hy vọng để tránh các biện pháp trả đũa giữa hai bờ Đại Tây Dương liên quan đến thuế kỹ thuật số mà nếu xảy ra, sẽ tác động xấu đến nền kinh tế của hai bên vốn đã gặp quá nhiều khó khăn và đang chật vật tìm cách phục hồi. Không chỉ các hãng lớn mạnh tham gia, “Tech For Good Call” cũng thu hút một loạt hãng công nghệ vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp cũng như các tổ chức phi chính phủ.

Tin cùng chuyên mục