Hy vọng về vấn đề hạt nhân Iran

Khả quan
Hy vọng về vấn đề hạt nhân Iran

Hãng AFP ngày 10-6 đưa tin, Mỹ và Iran bước vào ngày đàm phán trực tiếp thứ hai về chương trình hạt nhân của Iran với nhiều kỳ vọng về một kết quả tốt đẹp. Ngày đàm phán thứ nhất kết thúc được trưởng phái đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng ngoại giao Abbas Araqchi, đánh giá là “tích cực và xây dựng”.

Lò phản ứng nước nặng IR-40 của nhà máy hạt nhân Arak của Iran.

Lò phản ứng nước nặng IR-40 của nhà máy hạt nhân Arak của Iran.

Khả quan

Về mặt chính thức, đây là cuộc họp song phương đầu tiên giữa Washington với Tehran. Tuy nhiên, theo tiết lộ của báo chí Mỹ, 2 nước đã trực tiếp liên lạc với nhau trong nhiều tháng liền cho tới năm 2012 và các cuộc gặp gỡ đó thường diễn ra tại Oman. Nói cách khác, cuộc đàm phán lần này chỉ là một sự tiếp nối của các buổi tiếp xúc không chính thức đã từng diễn ra trong quá khứ.

Cuộc gặp giữa Washington và Tehran lần này sẽ tập trung tìm cách tháo gỡ bế tắc còn tồn tại trên nguyên tắc Iran và cộng đồng quốc tế phải đạt được thỏa thuận toàn diện về nguyên tử Iran trước ngày 20-7 tới.

Thiếu tướng Itai Brun, quan chức cấp cao của ngành tình báo Israel, nhận định các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ sẽ thực sự mang lại kết quả khả quan bởi Iran đang rất nghiêm túc hướng tới đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện. Điều này xuất phát từ việc chính quyền tại Tehran hiện đang phải chịu nhiều sức ép, trong đó có vấn đề kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng ngoại giao Abbas Araqchi cho biết, nếu thời hạn chót để đạt một thỏa thuận toàn diện không đạt được, có thể đàm phán để gia hạn thêm 6 tháng nữa. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không ưu tiên việc gia hạn thêm bởi điều đó có thể bất lợi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và đảng Dân chủ. Nhà Trắng sẽ không thể khoe thành tích ngoại giao của mình vào lúc nước Mỹ chuẩn bị bầu cử giữa nhiệm kỳ. Đa số tại Hạ viện Mỹ đang trong tay đảng đối lập Cộng hòa và đảng Dân chủ thì không muốn bị đe dọa mất đa số ở Thượng viện.

Một lý do quan trọng khác để Washington và Tehran cùng muốn khai thông hồ sơ hạt nhân Iran: một phần công luận và nhất là các phe đối lập đều đang phản đối tiến trình đàm phán. Cả Tổng thống Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rohani đều đã hứa với cử tri là sẽ làm tất cả để xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran. Uy tín của 2 nhà lãnh đạo này sẽ sụt giảm khi họ không tìm ra được tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân gây tranh cãi lâu nay của Tehran.

Chấm dứt tranh cãi

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay, các cuộc hội đàm trực tiếp giữa Pháp và Iran về vấn đề hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ được tổ chức vào ngày hôm nay, 11-6. Trong khi đó, cuộc gặp với Đức sẽ diễn ra tiếp sau các cuộc đàm phán tương tự với đại điện đàm phán của Mỹ, Nga và Pháp trong tuần này, đồng thời diễn ra trước khi nối lại các cuộc đàm phán về chính trị giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vào ngày 16-6 tại thủ đô Vienna của Áo.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhận định, các cuộc hội đàm trực tiếp với các thành viên của Nhóm P5+1 là cần thiết vì các cuộc hội đàm đa phương mở rộng chưa đạt đủ tiến bộ. Nếu các cuộc đàm phán riêng rẽ góp phần đưa các bên đến một thỏa thuận toàn diện, nó sẽ giúp chấm dứt các tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân Tehran bấy lâu nay.

Mỹ và các đồng minh của họ nghi là Iran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Iran thì vẫn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ vì mục đích hòa bình, sử dụng cho các mục đích dân sự. Iran đã thỏa thuận hồi tháng 11 năm ngoái hạn chế chương trình tinh chế uranium của họ để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài của phương Tây và thảo luận hướng tới một thỏa thuận đầy đủ.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục