Ì ạch kè chống sạt lở ở Cà Mau

Tình hình sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra khắp nơi. Vì vậy, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp tại nhiều điểm nóng sạt lở và triển khai các giải pháp phòng chống. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên nhiều công trình kè thi công chậm chạp, khiến người dân rất bức xúc.
Đê biển Tây ở Cà Mau, đoạn vòng qua cống Đá Bạc bị thắt “cổ chai” do vướng mặt bằng
Đê biển Tây ở Cà Mau, đoạn vòng qua cống Đá Bạc bị thắt “cổ chai” do vướng mặt bằng

Đê biển bị thắt “cổ chai”

Dự án nâng cấp đê biển Tây từ Tiểu Dừa (giáp ranh với tỉnh Kiên Giang) đến Cái Đôi Vàm dài trên 72km, nguồn vốn trên 1.690 tỷ đồng. Tuyến đê này rất quan trọng trong việc chống sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống của hàng chục ngàn hộ dân phía sau tuyến đê, nhất là vùng ngọt hóa của các huyện Trần Văn Thời, U Minh...

Do khó khăn về nguồn vốn, nên dự án mới triển khai được đoạn từ Tiểu Dừa đến Sông Đốc, dài gần 49km. Dự án được khởi công từ năm 2010 (giai đoạn từ 2010 đến 2013, chủ yếu đầu tư xây dựng kè chống sạt lở và tạo bãi gây bồi); đến năm 2015 thì khởi công xây dựng đê.

Dự kiến, nhiều gói thầu xây dựng tuyến đê này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, việc thi công chậm, nhiều gói thầu phải gia hạn tiến độ khiến người dân bức xúc. 

Ngoài ra, tuyến đê này cũng bị thắt “cổ chai” tại đoạn vòng qua cống Đá Bạc dài 2,3km do vướng mặt bằng. Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, việc lập và phê duyệt phương án bồi thường rất chậm do phải xác định giá đất cụ thể, mất nhiều thời gian. Mặt khác, sau khi phương án bồi thường được phê duyệt, một số hộ dân vẫn chưa đồng ý giá bồi thường.  

Cần làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân công trình chậm

Giữa năm 2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 (Quyết định 795/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-6-2018), hỗ trợ các địa phương trong vùng ĐBSCL (trong đó có Cà Mau) thực hiện xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển với 1.500 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Cà Mau dành khoảng 40 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở bờ Tây cửa biển Rạch Gốc.

Công trình này thực hiện cơ chế khá mới tại Cà Mau là Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) bỏ tiền ra làm trước. Thực hiện thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng kè (gói thầu 39). Khi hoàn thiện và nghiệm thu, thì chủ đầu tư sẽ giải ngân tiền cho Busadco. Dù vậy, khi Busadco bắt tay vào xây dựng thì gặp trục trặc.

Theo Ban Quản lý dự án công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trong quá trình thi công tuyến kè thì do ảnh hưởng cơn bão số 3 (tháng 8-2019) đã làm hư hỏng nhiều đoạn trên tuyến kè (hơn nửa chiều dài tuyến kè). Vì vậy, Busadco không thể hoàn thành công trình theo cam kết.

Do đó, tỉnh Cà Mau phải gia hạn thêm thời gian, đến cuối 12-2019 phải hoàn thành. Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Busadco, cho biết không thể hoàn thành theo kế hoạch đã được gia hạn, do thời tiết biển động liên tục, vị trí thi công khó, vì là bên lở…  

Trong nhiều cuộc họp về kinh tế - xã hội hoặc chuyên đề đầu tư công, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chỉ đạo rất cương quyết và đề nghị các chủ đầu tư, đơn vị thi công khắc phục tình trạng có vốn, nhưng không giải ngân được.

Ông Hải cũng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân công trình chậm do đâu, yếu tố khách quan và chủ quan. Trên cơ sở đó, có hướng xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, cũng như nhà thầu thi công, mạnh dạn chấm dứt hợp đồng đối với những nhà thầu năng lực yếu… 

Tin cùng chuyên mục