
Với những xã kinh tế khó khăn, để hoàn thành được các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã là nỗ lực vô cùng lớn. Nhưng đối với xã đặc biệt khó khăn, lại có xuất phát điểm quá thấp như Ích Hậu (tên gọi cũ xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc - nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thì đó lại là một nỗ lực hết sức phi thường. Bởi suốt mấy chục năm về trước, Ích Hậu được biết đến với cái biệt danh "xã ăn mày", "làng ăn xin", "làng cái bang"…
Ký ức buồn
Vào thời điểm những năm trước và sau 1980-1983, xã Ích Hậu giống như một hòn đảo thu nhỏ được bao quanh bởi mạng lưới sông ngòi dày đặc, nằm ở vùng thấp trũng; sản xuất nông nghiệp, trồng mía, rau màu các loại, nuôi trồng thủy sản… mất mùa triền miên do đất đai, ruộng đồng, ao hồ đều bị nhiễm nước mặn nặng từ biển tràn vào. Hệ thống cơ sở hạ tầng không có, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn… đẩy nhiều người dân trong xã lâm vào cảnh đói nghèo, nhà cửa xác xơ.

Hệ thống cơ sở hạ tầng ở xã Ích Hậu đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp
Một số người lớn tuổi ở xã Ích Hậu cho biết, mấy chục năm trước, do mất mùa liên tục nên người dân phải gửi con lại rồi đi bộ hàng trăm cây số ra các tỉnh - thành: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội… để hành nghề ăn xin. Cũng vì có quá nhiều người trong xã đi ăn xin nên mới có những biệt danh "xã ăn mày", "Hậu đùm", “làng ăn xin", "làng cái bang"…
Nhắc lại ký ức buồn, bà Hoàng Thị Tý (70 tuổi, ở thôn Lương Trung, xã Ích Hậu) cho biết: "Gia đình tôi có 4 người con, đứa đầu không may qua đời khi còn trẻ. Ngày đó, gia đình tôi khổ nhất nhì ở xã này; chồng đi biền biệt, tôi ở nhà phải nuôi con và cha mẹ già 80 tuổi; trong khi mùa màng mất trắng triền miên, không có cái ăn. Lúc đó nếu không đi ăn xin, chỉ có nước con cái chết đói. Cũng may có lần gặp được người bạn đi bộ đội với chồng tôi, họ thăm hỏi rồi cho nhiều gạo, đưa tôi lên tàu trở về quê…”.

Cầu Cánh Cạn (dài 212,35m, vốn đầu tư 38 tỷ đồng) bắc qua sông Nghèn, góp phần phát triểnkinh tế, xã hội của xã Ích Hậu và địa bàn lân cận.
Ông Nhoãn (80 tuổi, ở xã Ích Hậu) kể lại: “Ngày trước, gia đình tôi có 10 người con (5 trai, 5 gái), sau đó 3 người con bị bệnh, không có tiền chữa bệnh nên lần lượt qua đời. Làm nông nghiệp nhưng luôn gặp thiên tai bão lũ, rồi tới hạn hán, đồng ruộng bị nhiễm mặn nên cả làng mất mùa liên tục. Khi ấy không có nghề gì khác để làm, áp lực từ việc lo miếng ăn cho gia đình nên nhiều người dân trong xã, không còn cách nào khác phải bất đắc dĩ lần lượt kéo nhau hành nghề ăn xin.
Thay đổi diệu kỳ
Một ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, có dịp về xã Ích Hậu, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi diệu kỳ của vùng quê này. Cuộc sống người dân Ích Hậu ngày càng sung túc, dân trí được nâng cao, không còn ai phải tha phương cầu thực như trước nữa. Đồng ruộng rộng thênh thang thẳng cánh cò bay; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp trải dài vào đến tận từng hộ dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa - cổng chào các thôn, kênh mương nội đồng xây mới kiên cố, khang trang, bề thế. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng mới mọc lên san sát.
Ông Đinh Văn Quỳ (89 tuổi, ở thôn Lương Trung, bộ đội về hưu) chia sẻ: “Tôi thấy quê nhà đổi mới rất nhiều, nhanh nhất là ở Lương Trung, cuộc sống sung túc, no ấm, Ích Hậu bây giờ đã có trường từ hệ mầm non đến phổ thông trung học khang trang, con cháu được lo ăn học đến nơi đến chốn…".
Ông Trần Quốc Thủy, Trưởng thôn Lương Trung, phấn khởi: "Gần chục năm trở lại đây, biệt danh "xã ăn mày", "làng ăn xin"… đã lùi vào dĩ vãng rồi, thay thế vào đó là “làng sung túc” với cuộc sống hoàn toàn mới. Người dân ở đây ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở thôn Lương Trung có 516 hộ với 1.998 nhân khẩu; trước đây là thôn nghèo nhất, trong đó có 50-70 người phải đi ăn xin. Nhưng nay thôn đã vươn lên dẫn đầu toàn xã với nhiều cái "nhất" như: giàu nhất, phát triển kinh tế mạnh nhất, đi xuất khẩu lao động nhiều nhất, thu nhập cao nhất, nhiều nhà cao tầng nhất… Toàn thôn có 350 người đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Ngoài ra còn có khoảng 300 người vào làm việc ở Bình Dương, TPHCM, Cà Mau… Cả xã bình quân thu nhập 30 triệu đồng/người/năm, riêng thôn Lương Trung có nhiều người thu nhập từ 36 - 40 triệu đồng/người/năm, thôn có 24 nhà cao tầng vừa xây dựng mới trong 3 năm và hàng trăm căn nhà bán kiên cố, 9 ô tô các loại…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quang Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu, cho biết: "Ích Hậu những năm trước do mùa màng thất bát triền miên, nghèo đói kéo dài nên đã có đến 300 người dân phải tha phương cầu thực. Từ năm 1993, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, công trình cống ngăn mặn giữ ngọt Đò Điệm thì cuộc sống của người dân Ích Hậu đã bắt đầu thay đổi. Họ mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi, mùa màng bội thu; bên cạnh đó còn phát triển kinh doanh, buôn bán vừa và nhỏ, dịch vụ. Đời sống nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt.
Bước ngoặt xây dựng nông thôn mới
Nhờ quá trình triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã làm xã Ích Hậu thay đổi hoàn toàn. Giai đoạn từ năm 2010 đến cuối năm 2015, được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các sở, ban, ngành Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà; sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ích Hậu nên đã từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM. Đến ngày 31-12-2015, xã Ích Hậu chính thức được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định công nhận về đích xuất sắc 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Và cũng nhờ bộ mặt NTM mà Ích Hậu hôm nay đã trở thành xã điển hình xuất sắc, luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn huyện Lộc Hà về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Hiện tổng diện tích đất tự nhiên của xã Ích Hậu là 915,2ha, có 2.112 hộ dân với 8.136 nhân khẩu, tổng thu nhập toàn xã năm 2014 đạt hơn 201,9 tỷ đồng; năm 2015 đạt hơn 247,6 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11% xuống chỉ còn 6,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm (năm 2000 là 11 triệu đồng/người/năm; năm 2005 là 14 triệu đồng/người/năm; 2014 là 24,6 triệu đồng/người/năm). Toàn xã có 234 người đi xuất khẩu lao động và từ 300 - 600 người làm việc thời vụ tại Thái Lan với thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/người/tháng.
Ích Hậu có Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, Trường THCS Thụ Hậu và một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; trên 92% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 100% con em đúng độ tuổi đều được đến trường, tỷ lệ đậu vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm từ 20 - 30 người. Ích Hậu cũng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc. Toàn xã có 6 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia là Đền Cả và đền thờ Nguyễn Văn Giai. Trong các thời kỳ chiến tranh, toàn xã có 115 người đã anh dũng hy sinh, 126 thương bệnh binh và 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
| |
DƯƠNG QUANG