Ít “nhà” cho sinh viên nghiên cứu

Ăn, ngủ rồi… nghiên cứu
Ít “nhà” cho sinh viên nghiên cứu

Không chỉ trang bị đầy đủ máy móc mà đến giường ngủ, bếp nấu ăn cũng không thiếu; ngày hay đêm, cánh cửa luôn mở để phục vụ học tập và nghiên cứu… Nhờ cách hoạt động như vậy, một số phòng thí nghiệm đã và đang thu hút đông đảo sinh viên tham gia, trở thành “ngôi nhà” thứ hai của các bạn trẻ. Tiếc rằng, những mô hình phòng thí nghiệm mở kể trên đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng khắp các trường đại học.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM thực hành nghiên cứu khoa học tại trường.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM thực hành nghiên cứu khoa học tại trường.

Ăn, ngủ rồi… nghiên cứu

“Sinh viên khối ngành kỹ thuật mà chỉ có vài giờ làm quen với máy móc công cụ. Hết giờ phải đóng cửa, tắt đèn. Với không gian như vậy, làm sao sinh viên có thể phát huy sáng tạo, làm sao thạo việc ngay khi ra trường…”. Nỗi băn khoăn ấy đã từng đeo đuổi TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí - chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM những năm đầu khi về trường công tác. Để rồi chỉ thời gian ngắn sau đó, TS Nguyễn Trường Thịnh đã cho ra đời một phòng thí nghiệm mang tên Open Lab, phục vụ 24/7 cho các sinh viên thích nghiên cứu.

Từ đó, ngày cũng như đêm, phòng thí nghiệm này luôn sáng đèn, nếu không phải là thầy, cũng là trò miệt mài bên những mô hình điện tử, luận án tốt nghiệp… Sinh viên Bùi Tuấn Anh, từng có khoảng thời gian hơn 2 năm gắn bó với Open Lab chia sẻ, việc chế tạo thiết bị hay máy móc không thể mang về nhà làm được. Thế nên, trước khi Open Lab ra đời, giảng đường vừa là nơi học, cũng vừa là chỗ nghiên cứu, ngủ nghỉ của sinh viên. Với điều kiện như vậy, tụi em chỉ dám nghĩ đến hoàn thành khóa luận tốt nghiệp là thành công lắm chứ chưa dám nghĩ đến một ngày máy móc của mình chế tạo được ứng dụng vào doanh nghiệp.

Thế mà, chỉ sau gần 5 năm đi vào hoạt động, hàng loạt các giải pháp, sản phẩm tự động hóa do thầy và trò sáng chế đã được doanh nghiệp quan tâm đặt hàng. Hàng loạt các dự án Robot công nhân, Robot cống, Máy bán sách báo tự động… ra đời đã mang về doanh thu hàng tỷ đồng cho Open Lab. Nhờ vậy, những năm gần đây, Open Lab đã được trang bị đầy đủ máy móc, có phòng ngủ, có bếp nấu ăn dành riêng cho sinh viên.

Một mô hình tương tự khác: Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Năm 2007, lần đầu tiên tại Việt Nam, một phòng thí nghiệm nghiên cứu các ứng dụng tế bào gốc trên cơ thể người với quy mô lớn đã được xây dựng với kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, không vì mức kinh phí đầu tư lớn cùng trang thiết bị nghiên cứu hiện đại mà lãnh đạo phòng thí nghiệm lại hạn chế sinh viên tham gia.

Trong hầu hết những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao như tái tạo mô giác mạc mắt cho bệnh nhân, dùng tế bào gốc da để ghép và tái tạo mô da cho bệnh nhân bị bỏng, biệt hóa thành công nhiều loại tế bào gốc, tế bào mầm… đều có sự hỗ trợ từ những sinh viên tham gia với phòng thí nghiệm. Không chỉ vậy, hàng tháng sinh viên còn được hỗ trợ một khoản tiền lương tương xứng với công sức của mình.

Cần lắm phòng thí nghiệm mở

Tuy nhiên, có một thực tế những mô hình hoạt động có hiệu quả như Open Lab hay Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, ở hầu hết các trường đại học hiện nay, các phòng thí nghiệm vẫn chỉ hoạt động trong giờ hành chính. Hết giờ thì đóng cửa, tắt điện, sinh viên muốn nghiên cứu cũng đành mang về nhà hoặc mượn tạm một góc giảng đường.

Ngay tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nhiều sinh viên phản ánh phòng nghiên cứu rất nhiều nhưng khó tiếp cận. Đến khi làm luận án tốt nghiệp, nếu cần phân tích hay xử lý mẫu phải tốn một khoản phí nhất định, còn không thì tự mua sắm nguyên vật liệu, hóa chất trước khi vào phòng thực hành. Phòng thí nghiệm bộ môn đã khó tiếp cận, các phòng thí nghiệm trọng điểm (Đại học Quốc gia TPHCM) được đầu tư kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó, có nhiều thiết bị lên đến hàng trăm ngàn USD và duy nhất tại phía Nam thì… càng xa lạ với đại đa số sinh viên.

Một cán bộ công tác tại phòng thí nghiệm cho biết, đối với sinh viên trường đại học, cao đẳng, việc tự học và nghiên cứu đóng vai trò quan trọng. Trong đó, các phòng thí nghiệm phải là nơi sinh viên cần thường xuyên gắn bó. Lý thuyết là vậy nhưng trước tình trạng khó khăn về kinh phí, phòng thí nghiệm hiện vẫn chủ yếu dành cho công tác đào tạo cao học, nghiên cứu sinh.

Kể từ khi các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyển đổi sang mô hình tự chủ (theo nghị định 115), gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cũng khiến các đơn vị này ưu tiên nhiều hơn cho việc thực hiện hợp đồng dịch vụ. Vì thế, việc tiếp cận máy móc hiện đại của sinh viên gặp không ít khó khăn.

TS Nguyễn Trường Thịnh, cho rằng, sinh viên ngày nay dễ dàng tiếp cận với nguồn kiến thức khoa học - công nghệ của thế giới. Nhiều ý tưởng nghiên cứu của sinh viên thường khá táo bạo. Tuy nhiên phải có nơi hỗ trợ mới có thể phát huy những ý tưởng đó. Vì thế, muốn nâng cao công tác đào tạo, tiếp đó là các nghiên cứu thoát ra được khỏi phòng thí nghiệm, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên đến gần hơn các phòng thí nghiệm, nhất là những nơi có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ thầy cô đầu ngành”.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục