
Sau Cách mạng Tháng Mười - bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng của nhân loại, nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.Lênin đã bắt tay vào xây dựng nền văn hóa mới. Nhiều vấn đề mới mẻ được đặt ra: Nền văn hóa mới phải bắt đầu từ đâu? Cơ sở lý luận và thực tiễn của nó là gì?
Nó sẽ phải tiếp thu hay từ chối những di sản quá khứ? Giải đáp vấn đề này, Lênin đã đưa ra những luận điểm có tính cương lĩnh. Người nhiều lần nhấn mạnh rằng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa phải được xây dựng từ những truyền thống tiến bộ, dân chủ của nền văn hóa dân tộc và nhân loại.
Mỗi thế hệ không thể bắt đầu từ khoảng đất trống mà phải kế thừa có phê phán truyền thống của dân tộc, hấp thụ những tinh hoa của văn hóa nghệ thuật thế giới. Người kịch liệt chống lại phạm trù dân tộc siêu giai cấp nhưng cũng chống lại quan điểm muốn vứt bỏ khái niệm dân tộc. Luận điểm về hai nền văn hóa là một sáng tạo to lớn của Lênin để phân tích các hiện tượng văn hóa trên cơ sở giai cấp, đồng thời chỉ ra tiêu chuẩn để bình giá các hiện tượng văn học quá khứ, tôn trọng và thừa nhận những đóng góp của nhân dân vào nền văn hóa dân tộc.
Vận dụng lý luận này, Lênin đã có sự phân tích mẫu mực về các nhà văn lớn như Lép Tônxtoi, Hécxen, Bielinxki, Tsécnưsépxki và đấu tranh không mệt mỏi chống những khuynh hướng núp dưới chiêu bài đấu tranh cho cái mới, mưu toan vứt bỏ những di sản văn hóa dân tộc. Những người này đã điên cuồng phê phán Puskin, Glinca, Pêpin và chạy theo những biểu hiện hình thức chủ nghĩa, ăn tươi nuốt sống mọi thứ, kể cả rác rưởi từ nước ngoài, quỳ gối trước mọi khuynh hướng quái gở của phương Tây.
Lênin phê phán gay gắt khuynh hướng phá phách tả khuynh của phái Prôlecun mưu toan phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, đối lập văn nghệ với chính trị, đưa ra một thứ văn hóa phủ định sạch trơn, đoạn tuyệt với các di sản quá khứ vì ngày mai của chúng ta chúng tôi sẵn sàng đốt cháy Raphaen.
Người cho rằng không thể tưởng tượng được một nền văn hóa vô sản không gốc rễ. Nền văn hóa mới, theo Lênin phải thâu thái được tất cả những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong quá trình phát triển của lịch sử. Chủ nghĩa Mác sở dĩ có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới chính vì nó không từ bỏ những thành tựu quý giá nhất của những thời đại trước kia, ngược lại, nó khai thác và tận dụng hết tất cả những gì quý giá nhất trong hàng ngàn năm phát triển của tư tưởng và văn hóa. Với những luận điểm này, Lênin đã đề ra cương lĩnh cho việc xây dựng nền văn hóa vô sản trong tương lai.
Thấm nhuần quan điểm của Lênin, ngay trong những ngày đầu cách mạng, Đảng ta hết sức coi trọng tính kế thừa trong sự phát triển văn hóa. Trong quá trình tiến bộ văn hóa, nội dung những giá trị văn hóa sẽ thay đổi nhưng điều đó không có nghĩa là xã hội, ngay trong thời kỳ cải tạo tận gốc rễ văn hóa sẽ vất đi toàn bộ những gì do lao động và trí tuệ của các thế hệ trước đã tạo nên.

Ảnh: A.D
Mỗi thế hệ không bao giờ khởi đầu từ mảnh đất trống mà phải nắm vững những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần do các thế hệ trước để lại. Sự phát triển sản xuất tinh thần cũng như sản xuất vật chất không thể thiếu sự kế thừa.
Sự phát triển văn hóa sẽ là hư vô nếu thiếu đi sự kế thừa những nguyên lý thẩm mỹ, những phương thức sáng tạo, trong đó tập trung những kinh nghiệm của dân tộc và nhân loại, tức là thiếu một truyền thống ổn định.
Nhưng kế thừa trong phát triển văn hóa là một quá trình phức tạp, mâu thuẫn biện chứng! Một mặt bảo lưu những thành tựu của quá khứ. Mặt khác, như Lênin nhận xét: “Bảo vệ di sản không có nghĩa là tự giới hạn trong di sản”.
Trong quá trình tiếp thu di sản văn hóa, có những yếu tố hoàn toàn bị gạt bỏ, lại có yếu tố được các thế hệ mới bảo lưu và sử dụng toàn bộ hoặc bộ phận. Tiến bộ văn hóa không thể không sử dụng mọi giá trị tích cực, đồng thời cự tuyệt mọi yếu tố lỗi thời của nền văn hóa cũ, những yếu tố bảo thủ có thể cản trở bước tiến của chúng ta.
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, dân tộc ta đã tạo ra được một diện mạo, một bản sắc văn hóa riêng. Nhờ vậy, dân tộc Việt Nam đã vượt qua được những thăng trầm, biến thiên khốc liệt nhất của lịch sử. Tạo cho mình bản sắc riêng, ông cha ta đã tự làm giàu kho tàng văn hóa của mình trên cơ sở bảo tồn cốt cách của tiền nhân, kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của đồng loại. Ngày nay, thế hệ chúng ta có thể tự hào rằng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp vào loại đất nước có bản sắc văn hóa độc đáo trên hành tinh.
Nhưng, vấn đề đặt ra là giữ vững bản sắc này như thế nào? Làm sao để văn hóa không là kẻ bàng quan đứng chiêm ngưỡng sự vận hành của con người trong hành trình tiến theo hướng phát triển? Văn hóa và phát triển suy cho cùng là hai mặt gắn liền nhau. Muốn phát triển, tất yếu phải bảo tồn văn hóa truyền thống. Vấn đề là làm sao để truyền thống có thể đứng vững trước sự công phá của cơ chế thị trường, trước sự xâm kích của hàng loạt yếu tố ngoại lai?
Muốn thế, điều có ý nghĩa tiên quyết là giữ gìn và làm phong phú thêm bản sắc dân tộc, nghĩa là phải hiện đại hóa truyền thống. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng: không thể duy trì, bảo tồn truyền thống nếu không thường xuyên phát triển, bồi đắp cho nó bằng những yếu tố hiện đại, kết tinh từ những thành tựu văn hóa của thời đại. Bởi lẽ, sáng tạo văn hóa được quy định bởi sự sáng tạo của lịch sử. Khi lịch sử vận động, hệ giá trị văn hóa cũng vận động theo.
Văn hóa luôn luôn là một hệ thống mở, có xu hướng tiến về phía trước. Hiện đại hóa truyền thống, cũng có nghĩa là lọc bỏ cái lạc hậu, phủ định cái cũ lỗi thời của truyền thống. Song đây không phải là sự phủ định siêu hình mà là phủ định biện chứng, nghĩa là nó diễn ra trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những yếu tố tốt đẹp của truyền thống.
Như vậy, hiện đại hóa yếu tố truyền thống là quá trình cải biến, bổ sung, phát huy yếu tố truyền thống bằng những giá trị hiện đại phù hợp với sự tiến bộ xã hội. Phủ định biện chứng yếu tố truyền thống, vì vậy, trở thành khâu tất yếu của sự phát triển văn hóa. Nhờ đó, sự phát triển văn hóa diễn ra như là một quá trình liên tục, không đứt đoạn với quá khứ.
Lịch sử phát triển nhân loại cho thấy: một dân tộc không biết liên tục bồi đắp, tôn tạo, cải biến những giá trị văn hóa truyền thống, dân tộc đó sẽ diệt vong. Sự giáo điều trong phát triển văn hóa sẽ làm nội lực văn hóa dân tộc cạn kiệt và không tránh khỏi nguy cơ hoặc bị đồng hóa hoặc sa vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Mặt khác, nếu quá tự mãn với truyền thống, không biết bổ sung vào nó những giá trị mới của thời đại, văn hóa dân tộc sẽ mất cảm hứng sáng tạo. Đóng cửa, bế quan, không đối mặt với các dân tộc khác cũng chính là tự sát về mặt văn hóa và đương nhiên sẽ bị lịch sử đào thải.

Ảnh: A.D
Trong thời đại ngày nay, giao lưu văn hóa đang trở thành một xu hướng không thể đảo ngược. Khi nội lực văn hóa đủ mạnh, nghĩa là bản sắc văn hóa dân tộc đủ mạnh thì dân tộc có thể đứng vững và phát triển; ngược lại dân tộc đó sẽ trở thành một dân tộc lai căng, đánh mất chính mình.
Văn hóa phủ nhận sự phát triển của chính nó như một sự nhập cảng hàng hóa. Văn hóa cũng không thể và không bao giờ có thể là sự kế thừa có tính cơ học. Sự phát triển văn hóa là một quá trình mở, vì vậy, muốn phát triển văn hóa dân tộc không có con đường nào khác hơn là phải phát triển truyền thống.
Cái mới chân chính ra đời không ngoài mảnh đất mà nó đã sản sinh ra. Nhưng kế thừa lịch sử, kế thừa truyền thống phải bao hàm sự sáng tạo, nghĩa là phải thừa nhận hiện đại hóa yếu tố truyền thống như một sự tất yếu khách quan của sự phát triển văn hóa. Tuy nhiên, hiện đại hóa yếu tố truyền thống không phải là đoạn tuyệt với quá khứ mà phải biết cắt bỏ những giá trị không phù hợp; dũng cảm vượt qua nó bằng sự sáng tạo những giá trị mới, nâng nó lên ngang tầm những giá trị văn hóa của thời đại ngày nay.
Đường lối văn hóa là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng ta. Với đường lối đúng đắn, sáng tạo ấy nền văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển, tiếp tục phát huy vai trò to lớn, góp phần quyết định vào những thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mấy chục năm qua, Đảng ta đã không ngừng hoàn thiện đường lối văn hóa văn nghệ, mở ra những chân trời rộng rãi để xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại ngày nay, đường lối ấy đang ngày càng chứng tỏ tính cách mạng, khoa học, tiến bộ, nhân bản và có sức sống to lớn trong đời sống cách mạng của đất nước.
DƯƠNG TRỌNG DẬT