Không riêng Việt Nam, ngay cả các nước phát triển như Canada, Đức, Singapore… cũng bị thất thoát “chất xám” và đã có nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút trí thức trở về. TPHCM sẽ làm gì để “giữ chân người tài”? Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà trao đổi với Báo SGGP, sau bài viết phản ánh tình trạng TP bị thất thoát chất xám.
- PV: Thưa bà, nhiều người đang lo lắng giáo viên (GV) giỏi bỏ trường công sang dạy ở trường ĐH, trường quốc tế, học sinh (HS) giỏi TP sau khi hoàn tất khóa học nước ngoài không trở về nước. Với cương vị lãnh đạo TP, chắc bà cũng có nhiều tâm tư trước thực trạng này?
- Phó Chủ tịch UBND TP NGUYỄN THỊ THU HÀ: Đúng là TP chúng ta đang đứng trước một thực tế như báo phản ảnh. Chúng ta càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì thực tế đó ngày càng biểu hiện rõ nét hơn. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu học tập ngày càng cao, chất lượng giáo dục vì thế đòi hỏi phải có bước phát triển mới.
Một số thầy, cô giáo có bằng cấp, có năng lực chuyên môn, được nhiều trường danh tiếng mời chào với mức lương thỏa đáng đang trở nên phổ biến hơn. Tôi cho rằng, dù dạy ở môi trường nào cũng đều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đi lên của TP và đất nước, cần trân trọng và ghi nhận.
Đối với các em học sinh giỏi TP, sau khi hoàn tất khóa học nước ngoài không trở về nước, đa phần do các em muốn được học ở bậc học cao hơn, được làm việc trong một môi trường tiên tiến hơn, những điều kiện này ở trong nước chưa đáp ứng được.
- Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên?
- Trước hết, đó là điều kiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo của chúng ta còn hạn chế nhiều so với các nước phát triển. Cơ sở phát triển của các trường công có nơi chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, nhất là trang thiết bị so với các trường tư thục, dân lập, trường quốc tế đang được đầu tư tại Việt Nam; chưa đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của giáo viên và sinh viên.
Thu nhập của các trường công lập trong thời gian gần đây tuy có được cải thiện, song chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản trong cuộc sống hiện nay. Trong khi đó, tại các trường ngoài công lập có chính sách đãi ngộ tốt hơn, môi trường làm việc cạnh tranh hơn…
- Trong thư gửi cho Báo SGGP, một số người nói rằng họ bỏ ra đi vì cơ chế không phù hợp, không phát huy được khả năng, thậm chí bị “đì” trong khi đồng lương lại khiêm tốn?
- Hầu hết đội ngũ GV TP đều rất tâm huyết, yêu nghề, phấn đấu miệt mài vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tất cả vì HS thân yêu. Ý kiến phản ảnh trên chỉ là cá biệt.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, lãnh đạo các trường cũng cần phải nghiêm túc xem xét lại công tác quản lý của mình.
- Ngoài công tác quản lý còn là lương bổng và chính sách đãi ngộ. Liệu chúng ta có thể xây dựng một cơ chế đặc thù và ưu đãi dành cho người tài?
- TP ý thức rất rõ về vấn đề này nên ngay từ năm 2001 đã triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung đào tạo 500 tiến sĩ, thạc sĩ cho ngành giáo dục. Hiện nay TP đang tiếp tục triển khai chương trình 500 tiến sĩ, thạc sĩ để làm nòng cốt cho quá trình xây dựng và phát triển TP trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, TP cũng đã tăng đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, chiếm tỷ trọng 24% trong tổng chi thường xuyên và khoảng 20% tổng ngân sách đầu tư cơ bản... Tuy nhiên, kết quả trên cũng chưa đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân TP.
- Như bà nói, sự dịch chuyển của dòng chảy tri thức cũng là đóng góp chung cho nhân loại, Việt Nam chưa có đủ điều kiện để “chất xám” ở một số ngành phát triển. Tuy nhiên, chính sách phát triển nhân tài đã có, còn giữ chân nhân tài chưa đủ mạnh?
- Mục tiêu từ nay đến 2010, tầm nhìn 2020 là xây dựng TPHCM trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.
Để đạt mục tiêu ấy, TP luôn xem vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng, phát huy nhân tài là một trong những ưu tiên đầu tư hàng đầu. TP sẽ nghiên cứu hoàn thiện các chính sách chung hiện có, trọng tâm là kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với kế hoạch sử dụng nhân tài.
Từng trường, từng cơ sở giáo dục phải chủ động xây dựng “thương hiệu” cho chính mình như một số trường đã và đang làm. Có như vậy, mới có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.
Bên cạnh đó, chúng ta phải chủ động nắm chắc số lượng, ngành nghề, trình độ đào tạo... để xây dựng kế hoạch phát huy kiến thức và kỹ năng của các em khi trở về nước làm việc.
Mặt khác, phải tăng cường giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để các em mang chất xám về đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
- Xin cảm ơn bà.
TPHCM là địa phương tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, đã hình thành các loại quỹ, giải thưởng, học bổng hỗ trợ sinh viên giỏi. Hoạt động của Hội khuyến học các trường ngày càng thiết thực, hiệu quả. Hướng tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương đúng đắn này, theo hướng hoàn thiện, quy hoạch phát triển hệ thống các loại hình giáo dục – đào tạo, cân đối phù hợp giữa trường công và trường tư; xây dựng nền giáo dục là của toàn dân, do dân và vì dân; gia đình, xã hội và mọi người chăm lo cho giáo dục, khuyến khích thu hút mọi nguồn vốn, kể cả vốn đầu tư nước ngoài để phát triển trường học. (Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà) |
HỒNG LIÊN (thực hiện)