Kết nối khu vực

Bộ trưởng Bộ GTVT các nước lưu vực sông Nile, các quốc gia thành viên của Khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) và Ủy ban về phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng của Liên minh châu Phi (AU) vừa nhóm họp tại thủ đô Cairo của Ai Cập về giai đoạn 2 của dự án Vic-Med nối hồ Victoria với Địa Trung Hải, được kỳ vọng kết nối giao thương toàn khu vực trong tương lai.

Tuyến đường thủy kết nối hồ Victoria với Địa Trung Hải được quy hoạch cùng với hệ thống kết nối đường bộ cao tốc và đường sắt sẽ là xương sống cho giao thông vận tải của khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm nhiều nhiên liệu và giảm chi phí bảo trì đường bộ, giúp giảm tắc nghẽn và giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một phần trong sáng kiến của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi nhằm trao quyền cho giao thông đường thủy dọc theo sông Nile đến Địa Trung Hải, được coi là con đường ngắn nhất nối lưu vực sông Nile với các quốc gia không giáp biển trong lục địa châu Phi. Để chuẩn bị triển khai dự án, Ai Cập kêu gọi các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp với Chính phủ Sudan cải thiện giao thông đường thủy giữa hai nước. 

Kết nối giao thông đường thủy giữa Ai Cập và Sudan cũng như các nước khác thuộc lưu vực sông Nile sẽ giúp tối đa hóa trao đổi thương mại và nâng cao hiệu quả của các cảng bốc xếp dọc theo tuyến đường sông có chiều dài 6.853km này. Ai Cập đặt mục tiêu hồi sinh kế hoạch xây dựng tuyến đường bộ kết nối thủ đô Cairo với TP Cape Town của Nam Phi. Tuyến đường này có thể dài 10.300km, bắt đầu từ cảng Alexandria trên Địa Trung Hải đến Cairo của Ai Cập, tiếp đó kết nối với Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Tanzania, Kenya, Zambia và cuối cùng là Nam Phi. Tổng thống Ai Cập El-Sisi cũng vừa phê chuẩn một nghiên cứu để xây dựng tuyến đường bộ kết nối Ai Cập với Chad (quốc gia ở Trung Phi) thông qua Sudan. Ai Cập đang xây dựng một tuyến đường sắt dài 6.000km để kết nối vùng Thượng Ai Cập với Sudan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng xuất khẩu của Ai Cập sang quốc gia láng giềng Bắc Phi này, sau đó chuyển tới khu vực Trung Phi.

Tin cùng chuyên mục