Kết nối thương mại khu vực phía Nam

TPHCM và các địa phương thuộc khu kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long cần có chương trình hành động chung trong việc xây dựng các trung tâm phân phối (TTPP) tập trung của vùng. Tránh việc mỗi tỉnh, thành chỉ hướng đến địa phương của mình trong kế hoạch hành động. Đây là nhận định của các chuyên gia về công tác đầu tư, quy hoạch và chính sách nâng cao hiệu quả kết nối thương mại tại khu vực phía Nam.
Kết nối thương mại khu vực phía Nam ảnh 1 Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại TPHCM
Đánh giá về tiềm năng phát triển lĩnh vực logistics tại Việt Nam, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), cho hay hiện nay tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp có quy mô về vốn lớn từ 50 tỷ đồng trở lên còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 4,68%. Số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm chủ yếu là các doanh nghiệp có số vốn tương đối nhỏ (từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng), thậm chí dưới 500 triệu đồng. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành vận tải và kho bãi trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít nên gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển.
Hiện nay, thu hút vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, kinh tế trong nước có nhiều khởi sắc. Trong xu hướng đó, lĩnh vực logistics Việt Nam cũng đang trên đà phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng từ 15% - 16%/năm và đóng góp khoảng 3% vào GDP của cả nước. Nhận định tuy đây là một lĩnh vực quan trọng, giữ vai trò quyết định trong lưu thông toàn bộ chuỗi sản xuất - phân phối hàng hóa, nhưng ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho rằng, chi phí logistics tại Việt Nam còn cao so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới (tương đương với 20% giá trị GDP của cả nước). Trong đó, chi phí vận tải hàng hóa khá cao nhưng chất lượng chưa ổn định; trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực còn hạn chế.
Hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết đã bước vào giai đoạn thực thi, nên Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi vận tải xuyên biên giới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nỗ lực hội nhập, cũng như có đủ nguồn lực tài chính. Hạn chế về khả năng tài chính và trình độ quản trị doanh nghiệp sẽ là rào cản lớn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp tại TPHCM đề xuất đề án phát triển TTPP nên được tổ chức theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); xác định rõ vai trò của Nhà nước là đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống kết nối, quy hoạch, cơ chế chính sách. Khi phát triển loại hình TTPP, dù Nhà nước hay có doanh nghiệp lớn đứng ra đầu tư cơ sở hạ tầng và để các doanh nghiệp yên tâm trong việc khai thác kho hàng tại TTPP, cần thành lập trung tâm liên điều hành, gồm đại diện của các công ty lớn khai thác kho tại TTPP, cũng như doanh nghiệp vận tải lớn của khu vực để đảm bảo sự hợp tác và thống nhất cho chuỗi liên kết vận chuyển. Ngoài ra, việc khai thác tại các TTPP cần phải giảm bớt các thủ tục giấy tờ hải quan, thuế. Nên sớm xây dựng hình thức cổng thông tin cảng (Port Base). Song song đó, phát huy vai trò của hiệp hội trong quản lý, điều hòa hoạt động của các thành viên, chi phí liên quan giao nhận…
Bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc tiếp thị, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho rằng việc xây dựng các TTPP tập trung và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại đồng bộ giữa các tỉnh, thành khu vực phía Nam sẽ giúp phục vụ một thị trường rộng lớn hơn. Trong đó, các TTPP tập trung có vai trò tích cực trong việc tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá thành. Tuy nhiên, yêu cầu cơ bản cần đảm bảo của các TTPP là phải có sự nghiên cứu quy hoạch sớm, chi tiết về sản lượng hàng, luồng hàng, dòng xe, xây dựng hệ thống đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối để giảm sự ùn tắc giao thông cục bộ.

Tin cùng chuyên mục