Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia trước đây được chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do mục đích xét tốt nghiệp, đề thi được đánh giá dễ hơn, điểm trung bình 9 môn tăng 0,22-1,36 so với năm ngoái. Điểm thi cao dẫn đến điểm chuẩn của các trường đại học tốp cao và trung lấy tăng 1-4. Còn lại, nhiều ngành, trường tốp dưới vẫn lấy điểm chuẩn 14-15 điểm.
Đến thời điểm này, dẫn đầu về điểm chuẩn là ngành Hàn Quốc học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với 30 điểm cho tổ hợp Văn-Sử-Địa. Tức là thí sinh phải đạt 3 điểm 10, hoặc được 27,25 trở lên và cộng điểm ưu tiên mới trúng tuyển. GS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, giải thích: Đây là năm đầu tiên tuyển sinh ngành học này, nhưng do chỉ tuyển 50 sinh viên mà trong đó có 30 em tuyển thẳng nên điểm chuẩn cao.
Điểm chuẩn cao thứ 2 là ngành Khoa học máy tính (IT1) của trường Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 29,04 (tăng 1,62 điểm so với năm ngoái). Xếp thứ ba là ngành Luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội lấy 29; xếp thứ tư là ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội với 28,9 điểm.
Ngày 5-10, Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân công bố điểm chuẩn chính thức vào trường. Theo đó, nữ có điểm cao nhất lên tới 28,18 điểm.
Khối trường quân đội, điểm chuẩn vào Học viện Quân Y cao nhất với là 28,65, tuyển cả khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Lý, Hóa), cao hơn năm ngoái 2 điểm.
Chiều 5-10, Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian từ ngày 2-10 đến ngày 4-10, các trường và 2 nhóm trường đã thực hiện xét tuyển lọc ảo. Nhóm lọc ảo phía Bắc gồm 52 Trường, do Trường Đại học Bách Khoa làm trưởng nhóm; nhóm lọc ảo phía Nam gồm 90 Trường, do Đại học Quốc gia TPHCM làm trưởng nhóm. Kế thừa những thành công năm 2018, 2019 kỳ thi tuyển sinh 2020 đã điều chỉnh một số kỹ thuật nhỏ khắc phục hạn chế, áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong tất cả các khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển, xác nhận thí sinh nhập học lên hệ thống để đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo… Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo.
Bộ GD-ĐT đánh giá, do có sự phối hợp tốt giữa Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia và các trường, nhóm trường trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển, đảm bảo quy trình kỹ thuật ổn định. Bên cạnh đó, hai nhóm xét tuyển chung đã thu hút nhiều thành viên, đặc biệt là hầu hết các trường lớn đã tham gia; phối hợp thành công để sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh.
Vai trò tích cực của trường chủ trì và sự hợp tác giữa các nhóm trường phát huy tác dụng trong việc triển khai quy trình tuyển sinh thuận lợi, nhanh chóng; đảm bảo tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên, cùng nhau xét tuyển và lọc ảo. Kết quả tuyển sinh đến thời điểm hiện tại đảm bảo các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào đảm bảo và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, phương thức tuyển sinh năm 2020 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, đảm bảo khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh và các trường; thực hiện được mục tiêu đổi mới công tác thi tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29. Hệ thống lọc ảo hoạt động ổn định trong suốt thời gian xét tuyển và lọc ảo. Không có hiện tượng nghẽn mạng.
Sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường-chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non (chiếm 26,95% các trường, với 34.145 chỉ tiêu, chiếm 10,60% tổng chỉ tiêu) có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung. Việc xét tuyển bổ sung sẽ diễn ra từ ngày 15-10-2020 cho đến hết năm 2020. |