Nhóm đặc trách tôm của Mỹ

Kêu gọi bỏ phiếu chống việc DOC áp thuế tôm nhập khẩu

Kêu gọi bỏ phiếu chống việc DOC áp thuế tôm nhập khẩu

Ngay sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra phán quyết về mức thuế đánh vào tôm nhập khẩu của Trung Quốc và Việt Nam, "Nhóm đặc trách tôm" (CITAC/ASDA) ra tuyên bố báo chí, khẳng định thuế chống phá giá sẽ không giúp vực dậy ngành đánh bắt tôm Mỹ.

"Nhóm đặc trách tôm" kêu gọi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) bỏ phiếu chống lại việc áp thuế chống phá giá, vì cho rằng nó gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ cũng như hàng nghìn lao động Mỹ có công việc phụ thuộc vào tôm nhập khẩu. Chủ tịch "Nhóm đặc trách tôm" Walli Stivel một lần nữa chỉ trích phương thức tính toán mà DOC áp dụng trong quá trình điều tra vụ kiện tôm, mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã xác định là trái luật.

Kêu gọi bỏ phiếu chống việc DOC áp thuế tôm nhập khẩu ảnh 1

Ông Stivel khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh nhằm loại bỏ thuế chống phá giá đầy bất công này. Ngoài ra, 8 nghị sĩ Mỹ cũng vừa gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ, yêu cầu DOC bảo đảm phán quyết công bằng về thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ sáu nước châu Á và Nam Mỹ, và bày tỏ lo ngại phương thức tính toán mà DOC áp dụng có thể tạo ra sự bất công về biên độ phá giá đối với hầu hết các công ty xuất khẩu tôm nước ngoài bị điều tra.

Mới đây, Hiệp hội các nhà sản xuất đỗ tương Mỹ (ASA) cũng đã cảnh báo DOC rằng mức thuế chống bán phá giá mà DOC áp đặt đối với tôm nhập khẩu của sáu nước bị đơn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và xuất khẩu của các nhà sản xuất đỗ tương Mỹ. Ngoài ra, các nhà sản xuất còn lo ngại mặt hàng tép làm thức ăn cho tôm có giá trị xuất khẩu hàng chục triệu USD mỗi năm cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu DOC áp thuế chống phá giá đối với tôm nhập khẩu.

Như tin đã đưa, chiều 30-11, Vụ Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định cuối cùng đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Diễn biến này nằm trong khuôn khổ vụ kiện "chống phá giá" do Liên minh tôm miền Nam nước Mỹ (SSA) khởi xướng chống lại mặt hàng tôm nước ấm đóng hộp và tôm động lạnh của sáu nước châu Á và Nam Mỹ.

Quyết định cuối cùng của DOC có thay đổi đôi chút so với quyết định sơ bộ sửa đổi mà cơ quan này công bố hôm 24-8 vừa qua. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam dao động từ 4,13% đến 25,76%, giảm đáng kể so với quyết định sơ bộ của DOC là 12,11% đến 93,13%. Quyết định cuối cùng quy định mức thuế riêng đối với 4 công ty: Công ty hải sản Minh Phú chịu thuế 4,21%, Công ty TNHH Kim Anh 25,76%, Công ty cổ phần chế biến hải sản Minh Hải 4,13%, Công ty xuất nhập khẩu chế biến hải sản đông lạnh Cà Mau 4,99%. Ngoài ra, Việt Nam có 29 doanh nghiệp thuộc nhóm các công ty chịu mức thuế chung 4,38%, tăng 11 công ty so với quyết định sơ bộ. Nhóm công ty chịu mức thuế chung 25,76% chỉ còn 5 công ty.

Về trường hợp tôm xuất khẩu của Trung Quốc, biểu thuế chống phá giá cao hơn nhiều, có biên độ dao động từ 27,89% đến 112,81%.

Theo trình tự, ngày 17/12, DOC sẽ công bố quyết định cuối cùng đối với tôm nhập khẩu từ bốn nước bị đơn còn lại là Thái Lan, Ấn Độ, Brazin và Equado. Sau đó, vụ kiện tôm sẽ được đưa trở lại ITC và Ủy ban này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với tôm của Việt Nam và Trung Quốc vào ngày 12-1-2005. Quyết định cuối cùng của ITC đối với tôm của 4 nước còn lại dự kiến đưa ra vào ngày 31-1-2005. Nếu ITC khẳng định tôm nhập khẩu từ các nước bị đơn gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho ngành đánh bắt tôm Mỹ, quyết định cuối cùng của DOC sẽ có hiệu lực, cụ thể với Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 19-1-2005. Trong trường hợp ngược lại, quyết định của DOC sẽ bị loại bỏ.

V.S. (Theo TTXVN)

Tin cùng chuyên mục