Khắc phục ngay những điểm nghẽn trong Đề án 06

Những điểm nghẽn trong Đề án 06 đã được Chính phủ chỉ ra trước đó như thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực... được lãnh đạo Bộ Công an đề nghị sớm khắc phục. 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Ngày 31-5, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) đã họp để đánh giá tình hình, bàn giải pháp khắc phục những điểm nghẽn và những nhóm vấn đề đang tồn tại khi triển khai Đề án 06.

Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành đã báo cáo thực trạng triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06. Đồng thời đề xuất các phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Đề án 06, như: Tổ chức rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06; tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ cho việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương...

Thông tin tại cuộc họp, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chia sẻ các mặt công tác thực hiện Đề án 06 tháng qua. Theo đó, trong tháng 5, nhiều dịch vụ công thiết yếu được thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao, như thông báo lưu trú; đăng ký thường trú...

Đối với dịch vụ công đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng: Từ ngày 4-5, thí sinh toàn quốc đăng ký dự thi chính thức tại phần mềm quản lý thi tốt nghiệp. Tính đến 13-5, đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có hơn 968.000 thí sinh đăng ký trực tuyến, chỉ có hơn 56.000 thí sinh đăng ký trực tiếp.

Về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, hiện Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội báo cáo tại cuộc làm việc

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội báo cáo tại cuộc làm việc

Hiện Bộ Công an đang phối hợp với 5 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, PVcomBank, VIB Bank) triển khai thí điểm giải pháp định danh, xác thực khách hàng trực tuyến thông qua ứng dụng VNEID, tiến tới cung cấp toàn bộ dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ nghiệp vụ ngành ngân hàng.

Đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 32,6 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó, phê duyệt 29 triệu hồ sơ; có 12,3 triệu tài khoản kích hoạt. Đã cấp trên 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip. Đã có 10 tỉnh, 100 huyện và 298 xã trên toàn quốc cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện. Trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội với tổng số: Sổ khai sinh (2,7 triệu bản ghi); khai tử (465.192 bản ghi); kết hôn (895.233 bản ghi); nuôi con nuôi (1.661 bản ghi)...

Tin cùng chuyên mục