Các tỉnh miền Trung đang liên tiếp trải qua đợt mưa lũ lịch sử. Lũ chưa rút thì ngoài Biển Đông, cơn bão số 8 với cường độ mạnh đang hướng vào đất liền, khu vực tâm bão nhiều khả năng lại là “khúc ruột” miền Trung.
Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước, do vậy chúng ta không thể chủ quan trong việc ứng phó với những hậu quả liên quan biến đổi khí hậu và thời tiết. Ngay bây giờ, phải dồn sức ứng phó với bão số 8.
Thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cả nước đã triển khai nhiều việc quan trọng cần làm ngay; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bố trí nguồn chi ngân sách, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, qua thực tế diễn biến tình hình ứng phó thiên tai trong thời gian gần đây đã bộc lộ một số bất cập trong năng lực quan trắc, giám sát, dự báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất cũng như trong khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống hạ tầng.
Để ứng phó với tình hình thiên tai, cả nước nên áp dụng những bài học hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đó là có kế hoạch ứng phó với từng tình huống cụ thể để không bị động; tăng cường quản lý, kiểm soát an toàn những nơi trọng yếu để giảm nguy cơ; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở những nơi có nhiều rủi ro; phổ biến, cập nhật thông tin để cán bộ và nhân dân có kiến thức và ý thức ứng phó; huy động có hiệu quả các nguồn lực; giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước khi thiên tai xảy ra. Huy động trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị, không thể để xảy ra tình trạng lơ là, lúng túng trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Các địa phương vùng bị thiên tai cần huy động hiệu quả cả hệ thống chính trị như đã thực hiện được trong việc phòng chống dịch Covid-19 để kịp thời ứng cứu người bị nạn trong thiên tai, giúp dân chữa bệnh, tạm cư, vượt khó, đưa số tiền và hiện vật cứu trợ đến tận tay những người cần được cứu trợ. Thật đau lòng khi đã xảy ra những vụ lực lượng đi cứu nạn lại phải hy sinh vì gặp nạn do thiên tai quá khốc liệt, do vậy, cần có kế hoạch phối hợp cứu nạn bài bản, khoa học, có đủ phương tiện cứu nạn nhanh và hiệu quả.
Trong những ngày này, TPHCM cùng cả nước hướng về miền Trung, hết lòng sẻ chia, cứu trợ đồng bào bị nạn do thiên tai. Nhiều tổ chức xã hội, đơn vị và cá nhân đã nhiệt thành đóng góp tiền của, công sức để giúp những người nghèo khó, hoạn nạn, làm từ thiện với tấm lòng chân thành sẻ chia, đầy nhân ái. Đó là việc làm ấm áp tình dân tộc, nghĩa đồng bào, cần tiếp tục phát huy và nhân rộng. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những cá nhân lợi dụng lòng nhân ái để tư lợi. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã kịp thời đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ; thông qua đó cũng giúp cho những hoạt động thiện nguyện chân chính của đồng bào được tiếp nối, lan tỏa.