Chiều 6-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai, nhiều ĐB yêu cầu chú trọng tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai.
Hạn chế thu hồi đất
Hạn chế tối đa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là quan điểm của nhiều ĐBQH. ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) phát biểu: “Đã công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì không thể thu hồi khi người dân đang sử dụng hợp pháp”.
Theo ĐB, chỉ áp dụng việc thu hồi đất để sử dụng cho mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ lợi ích quốc gia. Trường hợp “sử dụng cho mục đích công cộng” và phát triển kinh tế - xã hội phải áp dụng hình thức trưng mua. Nhiều ĐB tán thành quy định khi xây dựng các công trình giao thông, chỉnh trang đô thị, Nhà nước sẽ thu hồi cả các lô đất liền kề, sau đó tiến hành đấu giá công khai. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể bán kính thu hồi để thống nhất thực hiện.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, quy định Nhà nước thu hồi đất “vì lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội” là không phù hợp với Hiến pháp. Để khắc phục tình trạng lạm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai nói chung và thu hồi đất nói riêng, dự luật phải quy định về quyền của người dân với vai trò là một trong những chủ sở hữu đối với đất đai (vì đất đai là sở hữu toàn dân). “Việc này nhằm khắc phục nghịch lý xin - cho khi dân là chủ sở hữu lại phải đi “xin”, Nhà nước đại diện cho chủ sở hữu, nhưng lại là người “cho”, ĐB Nghĩa bình luận.
Cùng quan điểm hạn chế tối đa khả năng tùy tiện, lạm quyền, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) yêu cầu dự thảo luật cần có một chương quy định về công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai; đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.
ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của các vụ khiếu kiện về đất đai là các dự án thu hồi đất không được công khai, minh bạch; người dân không được tham gia bàn bạc. Trong khi đó, tại nhiều dự án, giá đền bù cho dân rất thấp nhưng sau đó bán lại rất cao. Cùng quan điểm này, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) yêu cầu dự luật bổ sung cơ chế chia sẻ quyền lợi từ việc thu hồi đất giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất bị thu hồi...
Chia sẻ với nhiều cái khó của Ban soạn thảo, song ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, dự thảo luật chưa giải quyết được nhiều vấn đề rất căn bản. “Tới đây, với đất đô thị, không nên giao cho nhà đầu tư nào hết. Tôi đề nghị chính quyền lập dự án, các nhà đầu tư chỉ là thứ cấp, được lựa chọn thông qua đấu giá công khai, tránh tham nhũng, tiêu cực. Cũng vì vừa qua giao đất dễ quá nên mới có tình trạng “ôm” dự án rồi bỏ hoang hoặc chờ sang tay. Bên cạnh đó, trong trường hợp giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp thì việc bồi thường cho người dân phải chú trọng các yếu tố nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân”, ĐB Trần Du Lịch đề nghị.
Tìm giá đất như tìm... lá diêu bông!
Đây cũng là ví von của ĐBQH Trần Du Lịch (TPHCM). Theo ĐB, giá đất có liên quan mật thiết với quy hoạch sử dụng đất. Do đó, khâu quy hoạch phải được chú trọng đặc biệt, không chỉ xác định rõ mục tiêu sử dụng mà phải chi tiết hóa cả đến mật độ xây dựng, số tầng… Quy định rồi mới định được giá.
ĐB Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) nhấn mạnh yêu cầu có cơ quan kiểm định giá độc lập để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa các bên. ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) bổ sung: “Hội đồng thẩm định giá rất cần sự có mặt của đại diện người dân có đất phải giải phóng mặt bằng”. Lưu ý đến những trường hợp đất giáp ranh giữa các tỉnh, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề nghị, trong việc định giá đất nên có hội đồng định giá cấp trung ương, vì nhiều khu vực đất giáp ranh giữa hai tỉnh có giá chênh lệch tới 3 - 4 lần, dẫn đến vướng mắc khi đền bù, giải phóng vì người dân không chấp thuận.
Tiếp cận vấn đề từ nguyên lý thị trường, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị: “Giá thị trường là nơi gặp gỡ của cung và cầu ở số lượng cao nhất. Một minh chứng là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn, người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng đang rất muốn được chi trả nhanh chóng, thay vì trước đó họ tìm cách trì hoãn việc giao đất. Và “số lượng cao nhất”, theo tôi, khoảng 70% - 80% người có đất đồng thuận”.
Anh Thư - Hà My