Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Sáng nay, 27-5, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động thường niên diễn ra trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề được lựa chọn của Diễn đàn năm nay là: “Vượt qua 2011 – Mục tiêu dài hạn của Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, ông Alain A.Babu, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Tổ chức tài chính quốc tế IFC đồng chủ tọa.
Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

(SGGPO).- Sáng nay, 27-5, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động thường niên diễn ra trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, đã khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề được lựa chọn của Diễn đàn năm nay là: “Vượt qua 2011 – Mục tiêu dài hạn của Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, ông Alain A.Babu, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực của Tổ chức tài chính quốc tế IFC đồng chủ tọa.

Ngoài phần tổng quan về môi trường đầu tư, các chủ đề đối thoại với Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn lần này bao gồm: ngân hàng và thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, giáo dục và báo cáo của một số nhóm công tác (về sản xuất, phân phối, khoáng sản và du lịch).  

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhìn nhận: “Sáu tháng qua, kinh tế Việt Nam đã trải qua hàng loạt thử thách. Đối phó với tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 11,  đến nay đã thực hiện được gần 3 tháng. Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra”. Bộ trưởng Phúc mong muốn cộng đồng quốc tế đóng góp những ý kiến xác đáng giúp Chính phủ Việt Nam điều hành sát thực hơn, đưa nền kinh tế dần trở lại ổn định, lấy lại đà tăng trưởng.

Nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đã thẳng thắn “mổ xẻ” những nhược điểm của nền kinh tế Việt Nam.

Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, sáng 27-5.

Quang cảnh khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, sáng 27-5.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, quan điểm của các hội viên EuroCham về triển vọng kinh doanh vẫn còn khá lạc quan, mặc dù đã thay đổi theo hướng giảm xuống. Các hội viên phản ứng thận trọng hơn và không chắc chắn về việc các chính sách và hành động kinh tế trong tương lai sẽ như thế nào. Ông Cany lý giải, tâm trạng bấp bênh này phần nhiều là do ảnh hưởng bởi tỷ lệ lạm phát cao và những mối lo ngại về triển vọng của đồng tiền Việt Nam.

“Các hội viên của chúng tôi đặc biệt lo ngại là mặc dù đô la Mỹ đang khá yếu nhưng đồng Việt Nam là đồng tiền duy nhất ở ASEAN đang tiếp tục phá giá”, ông Alain Cany cho biết. Trong khi bày tỏ tin tưởng vào những giải pháp trong Nghị quyết 11 như những hành động ngắn hạn, ông Alain Cany mong muốn Chính phủ sớm tiếp tục đưa ra những chính sách đáng tin cậy và ổn định lâu dài.

Trong số các lĩnh vực cụ thể, vấn đề cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng được ông Alain Cany bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. “Trong năm 2010, trung bình số giờ thiếu hụt điện ở mỗi công ty đã tăng gần gấp đôi (so với năm 2009): từ 50 giờ trong năm 2009 lên đến 89 giờ trong năm 2010”. Ông khuyến nghị đẩy nhanh việc xây dựng một thị trường điện hoàn toàn mang tính cạnh tranh trước năm 2015 thay vì trước năm 2024.

Liên quan đến tính minh bạch và công tác cải cách thủ tục hành chính, vẫn ông Alain Cany lưu ý, báo cáo năm 2010 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam cho thấy sự suy giảm trong hầu hết mọi chỉ số minh bạch so với năm 2009, và đây là xu hướng rất đáng lo ngại.

Một quan ngại khác của lãnh đạo EuroCham liên quan đến dự thảo Luật mới về giá mà ông cho là “những định nghĩa trong Luật sẽ dẫn đến quyền tự ý định đoạt (về giá) rất lớn cho các quan chức nhà nước; trong khi lại không đưa ra trách nhiệm rõ ràng của họ về việc giữ bí mật thông tin do doanh nghiệp cung cấp với mục đích kiểm soát giá”.

Ông Christopher Twomey, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cũng chia sẻ mối quan tâm về giá: “Chúng tôi hiểu được mong muốn của Chính phủ Việt Nam khi đưa ra những quy định nhằm kiểm soát giá cả; nhưng dự thảo Luật mới về giá cả có một số điểm không nhất quán với Luật Cạnh tranh của Việt Nam”. 

AmCham hy vọng được tham gia vào quá trình xem xét và góp ý vào Luật mới này do khả năng tác động to lớn của Luật đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục