Khát vọng nghiên cứu của hai nhà khoa học nữ

Trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023 (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chính Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức), có hai nhà khoa học nữ của Đại học Quốc gia TPHCM nhận giải thưởng này. Cả hai nhà khoa học đều có những kết quả nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ y dược và vật liệu mới.

Đam mê vật liệu mới

Với những thành tích nổi bật trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh (sinh năm 1990), Trưởng nhóm nghiên cứu vật liệu hóa sinh và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia TPHCM, đã vinh dự nhận được giải thưởng Quả cầu vàng 2023. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho nhà khoa học nữ trẻ tuổi nhất với thành tích “khủng”: hơn 40 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.

g4b-7268.jpg
ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh (giữa) nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023

Yêu thích môn Hóa học từ thời phổ thông, năm 18 tuổi, Thùy Linh chọn ngành Hóa học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) với ước mơ trở thành giáo viên dạy Hóa. Trong quá trình học, với sự hướng dẫn nhiệt tình của các giảng viên, Thùy Linh đã bắt đầu bén duyên với niềm đam mê nghiên cứu khoa học về ngành học mình đã chọn.

ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh chia sẻ: “Năm thứ 4 mình làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài về vật liệu xốp khung hữu cơ kim loại, nhưng chuyên ngành mình học lại là hóa hữu cơ. Lúc mới bắt đầu nghiên cứu, mình rất bỡ ngỡ vì cái gì cũng mới. Nhưng chính những lúc khó nhất, những cái mới nhất đã giúp mình nỗ lực để có nhiều kiến thức và luôn thúc ép mình dành nhiều thời gian hơn cho những bài toán tại phòng thí nghiệm. Nhờ làm việc tại phòng thí nghiệm hiện đại với các thiết bị nghiên cứu chuyên sâu, cũng như được học hỏi trực tiếp từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực vật liệu mới như GS Omar M. Yaghi, GS O’Keeffe..., mình ngày càng có thêm nhiều động lực và nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ về hướng nghiên cứu mình đã chọn”.

Tốt nghiệp đại học năm 2013, Thùy Linh quyết định ở lại Trung tâm INOMAR làm nghiên cứu viên và học lên thạc sĩ một năm sau đó để chuyên tâm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Với hướng nghiên cứu về vật liệu xốp khung kim loại hữu cơ, Thùy Linh tập trung vào các vật liệu có độ bền và tiềm năng thương mại hóa cao. Một trong những công trình mà Thùy Linh tâm đắc là “Vật liệu khung hữu cơ kim loại Zr and Hf-MOF: xúc tác dị thể hiệu quả cho phản ứng tổng hợp 2-arylbenzoxazole thông qua phản ứng mở vòng alcyl hóa”. Ở công trình này, Thùy Linh áp dụng phương pháp vi sóng trong quá trình thực nghiệm thay vì phương pháp nhiệt dung môi để rút ngắn thời gian tổng hợp mỗi hợp chất hữu cơ từ 6-7 giờ xuống còn 15-60 phút, từ đó tiết kiệm năng lượng cho quy trình tổng hợp. Từ hướng đi này, công trình đã điều chế được 10 hợp chất có hoạt tính sinh học, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường. Với những kết quả nổi bật trên, bài báo về công trình này được chấp thuận đăng trên Tạp chí quốc tế Journal of Catalysis thuộc danh mục Q1 với chỉ số Impact Factor cao đến 7.3.

Năm 2019, ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh tiếp tục học chương trình đào tạo tiến sĩ về chuyên ngành Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử tại Trung tâm INOMAR, dự kiến tốt nghiệp vào năm 2024. Chỉ sau 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, cô đã có hơn 40 bài báo khoa học, trong đó có 21 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1, 17 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q2, 4 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước...

Nghiên cứu cải thiện chức năng não bộ

TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật y sinh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023 vì có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực công nghệ y - dược.

g4d-3753.jpg
TS Hà Thị Thanh Hương đang thực hiện nghiên cứu về thần kinh não bộ

Lớn lên trong gia đình có ba và mẹ làm nhà giáo, ngay từ bé Thanh Hương đã sớm bộc lộ sở thích học các môn tự nhiên. Nhờ đó, từ thời học phổ thông, Thanh Hương đã đoạt nhiều giải thưởng về môn Sinh học, như giải nhất học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 11, 12 và giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia môn Sinh học. Lên đại học, Thanh Hương còn được biết đến với biệt danh nữ sinh “chuyên săn học bổng”. Để có thể chinh phục được học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam, thực hiện ước mơ đặt chân tới Đại học Stanford (Mỹ), cô đã chuẩn bị đầy đủ về thành tích học đại học, chứng chỉ tiếng Anh, kinh nghiệm nghiên cứu và quan trọng hơn nữa là một ý định rõ ràng trong việc quay về Việt Nam phục vụ đất nước. Còn đối với Đại học Stanford, điểm mạnh nhất trong hồ sơ của Thanh Hương lúc đó là câu chuyện dẫn dắt cô tới Thần kinh học. Giáo sư trưởng hội đồng tuyển sinh khi gặp cô ở Đại học Stanford đã cho biết, ông dành Thời gian để đọc đi đọc lại bài luận của cô và rất cảm động.

TS Thanh Hương chia sẻ: “Khi học đại học, tôi học ngành Công nghệ sinh học, nhưng học tiến sĩ thì theo ngành Thần kinh học. Tôi may mắn là được đào tạo bài bản về Sinh học phân tử từ PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương nên nhanh chóng nắm bắt phần kỹ thuật này khi thực hiện đề tài nghiên cứu sinh. Tuy vậy, đề tài ở Đại học Stanford của tôi còn dùng rất nhiều kỹ thuật và kiến thức khác, ví dụ như nuôi cấy tế bào thần kinh, giải phẫu chuột, đo tín hiệu điện sinh lý... mà tôi phải mất 2-3 năm đầu mới có thể thấu hiểu và thành thạo. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là vừa làm đề tài tốt nghiệp, vừa phải nghĩ tới việc sau này về Việt Nam sẽ xây dựng nhóm nghiên cứu như thế nào, sử dụng kỹ thuật gì để có thể triển khai ngay khi về nước...”.

Năm 2018, ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Thần kinh học, nhà khoa học sinh năm 1989 đã về Việt Nam và giảng dạy, nghiên cứu tại Trường Đại học Quốc tế. Hiện nay, TS Thanh Hương đã thành lập nhóm nghiên cứu Brain Health Lab để thực hiện những nghiên cứu cải thiện chức năng não bộ, nâng cao sức khỏe tinh thần. Hiện tại, nhóm

xemptyzgồm 20 thành viên là sinh viên, học viên cao học và trợ lý nghiên cứu. Hướng nghiên cứu của nhóm tập trung chuyên sâu về stress và bệnh Alzheimer. Ở hướng nghiên cứu về bệnh Alzheimer, nhóm đã sáng tạo phần mềm Brain Analytics dùng để chẩn đoán bệnh Alzheimer bằng trí tuệ nhân tạo dựa trên ảnh MRI não. Phần mềm có thể đưa ra kết quả nhanh trong 10 phút với độ chính xác khoảng 96%, giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian chẩn đoán. Bên cạnh xác suất mắc bệnh, phần mềm cũng đưa ra các thông số chi tiết về các vùng não bộ để các bác sĩ tiện theo dõi.

Việc nghiên cứu phần mềm Brain Analytics đã giúp nhóm nghiên cứu do TS Thanh Hương dẫn dắt đoạt nhiều thành tích tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, như: giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2022); giải “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021”; giải nhì cuộc thi Sáng tạo và khởi nghiệp Trung Quốc - ASEAN năm 2022. Trước đó, TS Thanh Hương là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải Early Career Award của Tổ chức Nghiên cứu não quốc tế vào năm 2020, được tổ chức L’Oréal - UNESCO vinh danh là “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022”.

Tin cùng chuyên mục