Khi trí tuệ bị đánh cắp

Ngày 25-7, nhạc sĩ Huy Tuấn, nhà sản xuất album Mười tám + của ca sĩ Văn Mai Hương, đã gửi đến báo giới đơn “kêu cứu” về việc album trên bị vi phạm bản quyền trắng trợn trên internet. Sự việc bắt nguồn từ việc, chỉ 1 ngày sau khi album Mười tám + chính thức ra mắt báo chí (ngày 23-7 và dự kiến phát hành trong tháng 8 tới), đường link album đã được chia sẻ rất nhiều trên các mạng xã hội, diễn đàn khi chưa có sự đồng ý của Văn Mai Hương cùng ê-kíp sản xuất.

Ngày 25-7, nhạc sĩ Huy Tuấn, nhà sản xuất album Mười tám + của ca sĩ Văn Mai Hương, đã gửi đến báo giới đơn “kêu cứu” về việc album trên bị vi phạm bản quyền trắng trợn trên internet. Sự việc bắt nguồn từ việc, chỉ 1 ngày sau khi album Mười tám + chính thức ra mắt báo chí (ngày 23-7 và dự kiến phát hành trong tháng 8 tới), đường link album đã được chia sẻ rất nhiều trên các mạng xã hội, diễn đàn khi chưa có sự đồng ý của Văn Mai Hương cùng ê-kíp sản xuất.

“Đây là sự vi phạm bản quyền trí tuệ trắng trợn, cho thấy thói quen tiêu dùng thiếu văn hóa và thiếu sự tôn trọng sáng tạo của các nghệ sĩ. Giới sáng tạo vốn đã rất nản chí và bức xúc với vấn nạn này từ lâu, dẫn đến việc càng ngày họ càng không dám đưa ra những sản phẩm, album âm nhạc đầy đủ của mình ra công chúng. Thay vào đó là những bài hát riêng lẻ phát hành tự do trên mạng và cũng không cần đoái hoài đến việc mình có thu lại được gì cho thành quả lao động của mình. Một hành động như là một sự tuyệt vọng và “sống chung với lũ” rất có hại cho sự phát triển thị trường âm nhạc và cho chính những khán thính giả. Bởi những sản phẩm cho không phần lớn sẽ là những sản phẩm thiếu chất lượng”. Nhạc sĩ Huy Tuấn bày tỏ quan điểm như trên, đồng thời cho biết đang cùng luật sư chuẩn bị các tài liệu pháp lý để tiến hành những công việc liên quan đến vấn đề Mười tám + bị vi phạm bản quyền online. Trong tuần tới, nếu các trang mạng tiếp tục dung túng cho những hành động thiếu văn minh này, ê-kíp sản xuất sẽ chính thức khởi kiện. Một phản ứng mạnh và cứng rắn cần thiết của giới sản xuất âm nhạc trước thực trạng vi phạm bản quyền vốn dĩ đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” tại nước ta suốt một thời gian dài.

Đây không phải là lần đầu tiên việc vi phạm bản quyền âm nhạc liên quan đến thói quen nghe nhạc online miễn phí bị phản ứng. Năm ngoái, 2 thương hiệu lớn của thế giới đồng loạt rút quảng cáo khỏi trang Zing của Việt Nam như một cách phản ứng trước việc trang này cho phép người dùng tải xuống những ca khúc trong cũng như ngoài nước mà chưa được phép khiến trang mạng này phải một phen lao đao giải quyết sự cố. Nhiều năm qua, các nghệ sĩ rất bức xúc trước việc thành quả lao động của họ bị “chiếm dụng” một cách công khai và tràn lan mà họ chỉ đành nhắm mắt làm ngơ hoặc tặc lưỡi cho qua bởi với hành lang pháp lý và thực tế ở Việt Nam, nếu có làm to chuyện cũng chỉ lãng phí thời gian, công sức mà hiệu quả thu về chẳng bao nhiêu. Vụ việc được cho là thành công hiếm hoi có thể kể đến là việc ca sĩ Thái Thùy Linh kiện 8 trang web nhacvui.vn, nhacso.net, nhaccuatui, mp3.xalo.vn, music.go.vn, showbiz.xzone.vn, mp3.zing.vn và yeucahat.com đã đăng tải ca khúc của cô mà không xin phép. Sau nửa năm phát hành, album Bộ đội của Thái Thùy Linh chỉ bán được 300 bản, trong khi đó lượng nghe/tải lên đến gần 700.000. Vì thế, Thái Thùy Linh thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gửi công văn đến các trang web trên đòi tiền bản quyền gần 400 triệu đồng. Sau đó, phần lớn các đơn vị nói trên đều có phản hồi, dừng vi phạm và đề nghị thương lượng bồi thường. Tuy nhiên, rất ít ca sĩ chọn cách phản ứng như trên, một phần vì nể nang, một phần vì tâm lý e ngại đụng chạm và cả nguyên nhân mối quan hệ ca sĩ - các trang mạng xưa nay vẫn được ngầm hiểu là “hai bên cùng có lợi, môi hở răng lạnh” mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Điều trớ trêu là nhạc sĩ Huy Tuấn, cùng với nhạc sĩ Quốc Trung là 1 trong 2 người khởi xướng chiến dịch “Nghe có ý thức” đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều ca sĩ, giới truyền thông cũng như những người nghe nhạc có ý thức về việc sử dụng nhạc số có bản quyền. Chính vì vậy, sự phản ứng lần này của anh được kỳ vọng sẽ không bị chìm xuồng (như bao vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền khác mà mục đích chỉ để hả tức hay để tạo lùm xùm nhằm gây sự chú ý nơi công chúng và giới truyền thông). Bởi điều này sẽ góp phần tạo tiền lệ, tăng ý thức và trách nhiệm nơi công chúng nghe nhạc. Khi những sáng tạo được trân trọng sẽ kích thích nghệ sĩ đầu tư để cho ra đời những sản phẩm đúng tầm và điều đó sẽ giúp thị trường nhạc Việt ngày càng chuyên nghiệp, phát triển đúng hướng hơn.

GIA BÌNH

Tin cùng chuyên mục