Khiêu vũ ở công viên

Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này/Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi. Tiếng nhạc vừa vui tươi, rộn ràng vừa du dương hòa theo những nhịp bước chân 1, 2, 3, 4, có phần còn gượng gạo nhưng đầy hoan ca.
Một buổi học khiêu vũ tại công viên
Một buổi học khiêu vũ tại công viên

9 giờ sáng chủ nhật, góc nhỏ rợp bóng mát ở một công viên thuộc khu phố 6 (phường 17, Gò Vấp, TPHCM), một nhóm những cụ ông, cụ bà, có cả những người trẻ hơn cùng tụ họp để tập điệu nhảy trên nền nhạc ca khúc Sài Gòn đẹp lắm. Có những người tóc đã điểm hoa râm bước chân không còn nhanh nhẹn; lại có những cô, những bác vừa tranh thủ đi chợ sáng xong cùng gia nhập nhóm. Họ tự bắt cặp với nhau, hướng dẫn nhau từng bước chân theo điệu nhạc. Người nhiều kinh nghiệm hơn chỉ cho những người mới tập. Rồi cứ thế, tất cả cùng say sưa tập luyện. Ai bận về trước. Ai rảnh đến sau. Một góc công viên buổi sáng thêm phần rộn ràng. 

Những góc nhỏ như thế có thể bắt gặp ở bất cứ công viên nào tại TPHCM. Những công viên Gia Định, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Tám, 23-9… trở thành điểm tụ họp của những người có niềm đam mê khiêu vũ. Có những lớp học diễn ra buổi sáng sớm, từ 5-6 giờ. Nhưng phổ biến hơn cả là vào buổi tối, từ khoảng 18 giờ, đông nhất là 19 giờ, 20 giờ, khi mọi công việc trong nhà đã xong xuôi. 

Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ những người đã về hưu, viên chức nhà nước, giáo viên cho đến công nhân, tài xế, thợ may, nội trợ… Có người đến với khiêu vũ để chữa bệnh người già như đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm, tim mạch, huyết áp… Có người mong tìm thêm bạn bè để vừa luyện tập, trò chuyện. Những lớp học khiêu vũ ở các công viên cũng muôn hình vạn trạng. Có những lớp học mang tính tự phát, bắt đầu từ niềm yêu thích bộ môn nhảy múa. Nhiều nhóm chuyên nghiệp hơn khi mời thầy cô là các vũ công chuyên nghiệp về dạy bài bản các điệu nổi tiếng: Chachacha, Rumba, Samba, Jive… Nhiều người đến với các lớp khiêu vũ có khi đi giày thể thao, thậm chí dép lào, mặc đồ bộ ở nhà. Có nhiều người đầu tư giày dép, quần áo chẳng kém cạnh các vũ công chuyên nghiệp, nhưng tất cả họ có chung niềm đam mê khiêu vũ theo cách của riêng mình.

Sinh hoạt trong những hội, nhóm như thế mang đến cho họ thêm nhiều niềm yêu đời và vui sống. Và thế là, trong tiếng nhạc xập xình, ánh đèn lung linh, những “sàn nhảy” đặc biệt vẫn cứ diễn ra cả ngày và đêm. Bao lo toan, vất vả của cuộc sống thường nhật dường như được tạm trút bỏ. Nhịp sống hối hả với tất bật xe xe cộ cộ của phố phường ngoài kia chẳng ngăn được những bước chân nhún nhảy theo điệu nhạc. 

Những lớp khiêu vũ ở công viên không giống với các lớp học trong nhà về nhiều yếu tố như âm thanh, ánh sáng, sàn nhảy… nhưng nó dường như phản ánh đúng chất phóng khoáng, cởi mở của người Sài Gòn - TPHCM. Vượt qua những mặc cảm, tự ti ban đầu, khiêu vũ mang đến cho họ sự tự tin. Đôi khi tiếng vỗ tay và cả sự tán dương của đám đông xung quanh sau khi kết thúc một điệu nhảy đã là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Và cứ như thế, những lớp học khiêu vũ ấy ngày càng được nhân rộng. 

Sài Gòn - TPHCM, vừa bình yên lại thêm phần nhộn nhịp.

Tin cùng chuyên mục