Chỉ qua một đêm, những ngọn đồi cao ngút bỗng chốc bị san bằng, những mảnh ruộng màu mỡ trở thành những cái ao sâu hoắm. Người dân và chính quyền các địa phương miền Trung tiếp tục khốn khổ đối đầu với nạn trộm đất.
Đồi núi, ruộng vườn biến thành ao
Cùng với việc chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, nhu cầu về đất san lấp, đất làm gạch trong thời gian qua ở Quảng Nam và Đà Nẵng rất cao. Các doanh nghiệp san lấp mặt bằng, khai thác đất ăn nên làm ra và không quên tận dụng sự sơ hở trong quản lý của các ngành chức năng để trộm đất đem bán lấy tiền tỷ. Những ngọn đồi, mảnh ruộng nằm xa khu dân cư đã trở thành miếng mồi ngon mà các đơn vị này đua nhau “cắn xé”.
Dọc theo QL14B từ ngã ba Hòa Cầm (Đà Nẵng) đến Đại Lộc (Quảng Nam), cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người là những ngọn đồi bị khoét nham nhở. Những chiếc xe ben “ăn hàng” từ những ngọn đồi dọc theo tuyến QL14B tỏa đi khắp nơi để bán đất, san lấp mặt bằng đua nhau chạy bạt mạng, đất đá rơi vãi ngập đường. Chị T, chủ một quán ăn trên tuyến đường này, cho biết: Hầu như xe chở đất hoạt động 24/24 giờ. Không biết họ chở đi đâu, nhưng mấy ngọn đồi ở đây bị san phẳng gần hết rồi. Nhiều nơi họ còn đào sâu xuống 2 - 3m để lấy đất biến ngọn đồi thành ao rộng thênh thang, có thể nuôi cá được!
Ngược về hướng Đại Lộc (Quảng Nam), ở đây không chỉ đất đồi núi bị lấy trộm mà ngay cả đất ruộng của người dân cũng bị đào trộm. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 5, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) bức xúc: “Do không có nguồn nước tưới nên đám ruộng nằm sát chân núi hơn 2 sào của gia đình không thể gieo sạ lúa. Tôi dự định trồng bắp để kiếm thu nhập cho gia đình. Thế nhưng, hồi giữa tháng 5 vừa rồi, vợ chồng mang cuốc ra làm đất thì hỡi ôi đám ruộng biến thành cái ao chứa đầy nước, sâu hoắm. Ông chồng lội xuống thử thì nước ngập tới ngực. Chạy hỏi quanh thì mọi người cho biết, có thấy xe múc, xe tải vào đây múc đất 2-3 ngày gì đó rồi họ đi mất. Lên xã hỏi thì xã không biết vì không cho phép đơn vị nào vào đây lấy đất cả. Bây giờ chỉ biết ngồi khóc chứ làm sao có tiền mà thuê xe lấp lại để làm ăn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn trộm đất ruộng ở Đại Lộc tập trung ở các xã Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Hưng, Đại Quang. Đối tượng lấy trộm đất hầu hết là doanh nghiệp trước đây buôn bán, vận chuyển cát, từ khi chính quyền nghiêm cấm khai thác cát thì họ chuyển sang san lấp mặt bằng. Sẵn có xe tải, xe múc trong tay, họ ngang nhiên múc trộm đất ruộng của người dân đem bán cho các lò gạch để thu lợi bất chính.
Còn tình trạng trộm đất ở Đà Nẵng diễn ra từ nhiều năm qua, tập trung chủ yếu ở các vùng có nhiều đồi núi, như Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên… của huyện Hòa Vang. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo Phòng TN-MT huyện Hòa Vang, đến nay số lượng đất bị múc trộm có thể lên đến hàng chục triệu mét khối.
Những cái ao, hồ do nạn trộm đất gây ra đã trở thành những chiếc bẫy chết người. Tiêu biểu như vụ việc xảy ra hồi tháng 8-2011 đã làm cháu Trần Việt Hoàng Lâm (sinh năm 1998) chết thảm. Cháu Lâm ra khu vực khai thác đất đồi san nền xây dựng thuộc khu vực tổ 4, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chơi, không may trượt chân ngã xuống hố nước do các đơn vị khai thác đất để lại. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương vẫn không biết đơn vị nào lấy trộm đất để lại hậu quả nặng nề.
Nghiêm trọng hơn là vụ việc xảy ra tại khu vực cánh đồng thôn 5, xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) khi mà một hố sâu do nạn khai thác đất trộm để lại đã khiến 2 người chết. Người dân ở đây cho biết, vụ đầu tiên xảy ra hồi tháng 2-2012 khi một thanh niên trong xã ra đây bắt cá bị sẩy chân rơi xuống hố sâu chết đuối. Vụ thứ 2 chỉ sau đó hơn 1 tháng khi một thanh niên ở xã khác đi qua khu vực này cũng bị trượt chân té xuống hồ và chết đuối, đến 2 ngày sau mới vớt được xác.
Đùn đẩy trách nhiệm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoản lợi nhuận mà các đối tượng trộm đất kiếm được vô cùng lớn. Một chủ lò gạch ở Đại Lộc cho biết: Bình quân mỗi khối đất bán cho lò gạch từ 70.000 - 80.000 đồng. Một xe mỗi ngày có thể khai thác được 50 - 60m³, kiếm được không dưới 4 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi đối tượng trộm đất ít nhất có từ 4 - 5 xe, thậm chí trên 10 xe và họ không chịu bất kỳ một khoản phí nào nên số tiền thu về mỗi ngày hàng chục triệu đồng. Còn đối với khai thác đất đồi bán cho các dự án san lấp mặt bằng thì lợi nhuận còn cao hơn. Do việc kiếm tiền quá dễ nên đối tượng trộm đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam đua nhau đi trộm đất, gây xáo trộn làng quê.
Ông Cao Văn Nhạc, Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), cho rằng trộm đất đồi, đất ruộng trên địa bàn xã đã trở thành vấn nạn. Nhưng do địa bàn rộng, hầu hết là đồi núi, xa khu dân cư, trong khi các đối tượng trộm đất thường tiến hành vào ban đêm nên khó phát hiện. Còn việc xử lý thì với chức năng của xã cũng chỉ phạt tối đa đến 2 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi mà họ kiếm được từ việc trộm đất. Chỉ có huyện xử phạt thì may ra mới đủ sức răn đe.
Cùng quan điểm, ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết khi phát hiện các doanh nghiệp về địa phương khai thác đất đồi núi trái phép, lực lượng chức năng xã đều kịp thời lập biên bản đình chỉ; đồng thời báo cáo các lực lượng chức năng xử lý. Còn việc tịch thu phương tiện của doanh nghiệp là do các lực lượng chức năng của huyện xử lý, chứ chính quyền cơ sở không có thẩm quyền. Trong khi đó, ông Nguyễn Sương, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) lại cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã.
| |
NGUYỄN HÙNG