Khoảng trống

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là người ta lại nhất loạt than vãn sân chơi cho thiếu nhi - mà đúng hơn là thị trường văn hóa giải trí dành cho thiếu nhi - quanh đi quẩn lại cũng ngần đấy món được giới thiệu từ sân khấu kịch, các chương trình ca múa nhạc, đến sách vở, cùng các bộ phim chiếu trên màn ảnh nhỏ và màn ảnh lớn… Câu hỏi đặt ra là chúng ta lấp đầy khoảng trống “GDP văn hóa” cho thiếu nhi cách nào và bằng cách nào “hàng nội” đẩy lùi “hàng ngoại” đang chiếm ưu thế áp đảo trên thương trường văn hóa?

Rất tiếc, đến hè này câu trả lời cũng chưa có, vẫn phải đợi đến các mùa hè tiếp nữa. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ thuộc hàng bán chạy nhất trên văn đàn Việt Nam thời gian qua thật ra cũng ngầm ý cho rằng có lẽ câu trả lời là… mua một vé về lại tuổi thơ và để trẻ thơ sống thật với tuổi thơ của mình.

Nhưng ai sẽ đưa bạn trở lại tuổi thơ? Hè này, điểm sáng duy nhất trong mảng phim Việt là bộ phim truyền hình Dòng sông thương nhớ 30 tập của TFS phát trên sóng HTV9 với những cảnh quay đẹp về vùng sông nước ngập tràn cảm xúc của miền Tây Nam bộ. Nhưng đó cũng chỉ là một cơn mưa nhỏ không đủ sức làm dịu mát cái nóng hầm hập của thị trường giải trí dành cho trẻ nhỏ.

Thành thật mà nói phim Việt dành cho lứa tuổi này không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng phim cũng không đủ sức cạnh tranh với phim nước ngoài. Phim hoạt hình là một ví dụ rõ nét. Rất nhiều các bậc phụ huynh muốn cho con em mình xem phim hoạt hình Việt Nam để qua đó giúp các em hiểu về ngôn ngữ, lịch sử, phong tục tập quán, truyền thống con người Việt Nam song mong muốn đó cũng là không tưởng vì phải “Nu, pagadi” - “Hãy đợi đấy!” (tên một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Liên Xô trước đây) với lý do đơn giản là không biết mua ở đâu và ai bán.

Và có mua được thì con trẻ cũng chỉ coi lần đầu rồi bỏ bởi phim nội quá đơn giản cả về nội dung lẫn cách thức kể chuyện, đấy là còn chưa nói tới chất lượng hình ảnh, màu sắc còn nhiều khiếm khuyết. Tom and Jerry phát sóng hàng ngày trên các kênh truyền hình mà vẫn hút khán giả là nhờ sự sáng tạo, thông minh và hài hước. Hay như trong phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn ai có thể ngờ rằng từ một câu chuyện cổ tích bình thường mà các nhà làm phim lại có thể tạo ra bảy chú lùn với bảy tính cách, không ai giống ai, mỗi chú là một thế giới riêng làm mê mẩn không chỉ mình các khán giả nhí.

Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến “phim làm ra mà con cháu mình không được xem” - như thú nhận của một nhà sản xuất phim hoạt hình Việt Nam - là thiếu mãi lực quảng cáo. Phát một bộ phim nước ngoài là xông xênh vừa có tiền sóng, lại thêm tiền quảng cáo cho mỗi phút phát sóng. Còn phim ta cho không và thậm chí cho thêm tiền “lót tay” nữa mà các đài truyền hình cũng vẫn lắc đầu “không không là không”.

Sự vọng ngoại khiến hàng nội thua ngay trên sân nhà còn thể hiện khá đậm nét ở các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi. Có thể kể đến các chương trình như Giọng hát Việt nhí dù thu hút sự quan tâm chung nhưng cũng để lại nhiều “lăn tăn” như trẻ em giờ chỉ thích hát bài người lớn, hát tiếng Anh, thích nổi tiếng nhanh… đến mức có người còn nói thẳng - tuy có hơi cực đoan rằng - truyền hình thực tế đang làm hỏng một thế hệ khán giả tương lai.

Rõ ràng đã đến lúc cần sự nhập cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý khi các chương trình này đều thực hiện theo phương thức liên doanh, liên kết nhưng thực chất là bán sóng, nhà đài chi phối rất ít. Và nữa là vì chạy theo lợi nhuận, phải chiều theo “ý” của nhà sản xuất nên nội dung ít nhiều bị thả lỏng dẫn đến những lệch lạc trong cách hành xử và thị hiếu lớp trẻ. Đấy là còn chưa nói tới lãnh vực xuất bản - một góc chìm của tảng băng nổi dòng văn học dành cho thiếu nhi. Dạo qua các nhà sách, dễ thấy sách bày bán đa phần đều là sách dịch.

Từ sách cho các bé mẫu giáo, truyện tranh, đến truyện ngắn, tiểu thuyết… dành cho tuổi thiếu nhi và tuổi teen đều thấy vắng bóng các sản phẩm thuần Việt mà thay vào đó là những cuốn sách hấp dẫn cả về hình thức lẫn nội dung của văn học các nước Á, Âu, Mỹ. Dế mèn phiên lưu ký từ 70 năm nay vẫn là cuốn sách hàng đầu trong dòng văn học thiếu nhi ở Việt Nam. Còn đương đại, ngoài sách của Nguyễn Nhật Ánh, Lê Văn Nghĩa (cũng hơi lạ là một cây bút trào phúng nhưng lại có vài tác phẩm viết hay về một thời học trò) và một vài tác giả trẻ thì vẫn còn đó một khoảng trống mênh mông không dễ canh tác trong thời gian trước mắt.

Và muốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cần phải sống với tâm hồn trẻ thơ, không áp đặt, không gượng gạo, không giáo điều cứng nhắc…

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục