
Bài 1: Người ơi, người ở đừng về
“Thầy cô dạy được 3-4 năm đủ quy định là xin chuyển đi, có người chưa đủ năm cũng đòi nghỉ để được rời khỏi nơi hẻo lánh này. Có năm, hơn chục người nghỉ việc, người ở lại tiếp tục tất tả tìm người và choàng gánh chuyên môn, cố lấp đầy khoảng trống trong ánh mắt học trò. Nhưng tìm đâu ra giáo viên cho kịp năm học mới?”, một hiệu trưởng trường THPT thuộc khu vực vùng sâu của TPHCM khắc khoải.
- Nỗi buồn cách trở
Nhà ở bến phà Bình Khánh, để đến trường, thầy Đặng Thái Bình (Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Thạnh An, huyện Cần Giờ) phải chạy hết con đường Rừng Sác dài tít tắp, rồi qua thị trấn Cần Thạnh, bắt thêm 1 chuyến đò băng qua cửa sông Lòng Tàu mất thêm 1 giờ, tất cả mất hơn 3 giờ. Đó là chưa kể những lần trễ đò, lỡ xe, lỗi hẹn với học trò. Vì vậy, mỗi tuần thầy chỉ về nhà thăm vợ con vỏn vẹn 1 ngày. Chiều cuối tuần, người thầy giáo trẻ lại tất tả quay về với học trò ở xã đảo.
Từ ngày về làm hiệu trưởng của Trường TH Thạnh An đến nay, thầy Bình đã có 3 năm xuôi ngược khó khăn. Căn phòng mà thầy tiếp chuyện chúng tôi nằm trong khu tập thể xập xệ của giáo viên (GV). Dãy lớp học ở ngay bên cạnh cũng cũ kỹ, thấp lè tè và không có lấy 1 phòng chức năng. Thầy Bình chia sẻ: “Gia đình vợ chồng sống cùng huyện nhưng ít có dịp gặp gỡ. Nhất là khi con nhỏ bị bệnh nặng mà không ở bên cạnh chăm sóc, tôi cứ như ngồi trên lửa…”.

Giáo viên Trường TH An Hạ (Bình Chánh) dạy trong điều kiện khó khăn cơ sở vật chất.
Sự khó khăn đó khiến nhiều GV chùn bước khi đến với học trò đảo xa. Vào tháng 9-10 Âm lịch là mùa bão dữ, sóng to gió lớn, trừ những người phải ra khơi đánh bắt mưu sinh, đa phần người ở lại cố thủ trên đảo. GV ở đây cũng vậy, vào những ngày này, nội bất xuất mà ngoại cũng… bất nhập. Cô giáo Phạm Thị Loan nhớ lại: “Mùa bão năm ngoái, những đợt sóng cao hơn đầu người, tàu thuyền nằm im chẳng dám ra khơi. Một GV nhận được tin người thân bệnh nặng nhưng không về nhà được, đành nằm ôm đồng nghiệp khóc”. Chưa nói đến điều kiện vật chất thiếu thốn, những trở ngại vô hình khiến nhiều GV từ bỏ nhiệm sở về lại đất liền. Hai cô bạn vào cùng đợt với cô giáo Loan cũng đã xin nghỉ dù chưa đủ thời gian quy định.
Chuyện của thầy Bình cũng là hoàn cảnh chung của GV Trường TH Thạnh An. Trường có 19 GV, tất cả đều từ phương xa đến, đa phần là GV trẻ mới ra trường nên nỗi buồn, sự khó khăn khiến nhiều người chịu không nổi đành bỏ cuộc nửa chừng.
- Chạnh lòng người ở lại
Có người bỏ nghề song cũng có những người nặng tình ở lại với vùng đất nghèo, dù cuộc sống còn khó khăn. 3 năm trời, cô giáo Nguyễn Thị Khánh Triều của Trường THPT Long Thới (Nhà Bè) đã có hàng trăm chuyến xe xuôi ngược từ Bình Dương đến tận Nhà Bè. Cô Triều tâm sự: “Ban đầu, tôi cũng có dự định là hết hạn xin chuyển về nội thành. Đã 3 năm, tôi vẫn còn quyến luyến với mảnh đất, con người nơi đây. Năm học này, tôi chuyển xuống nhà tập thể gần trường để tiện làm việc”.
Nếu như mặt bằng thu nhập chung của nghề giáo đã thấp, tình hình càng trở nên khó khăn đối với GV ngoại thành khi việc xã hội hóa GD ở khu vực này là điều không thể. GV chỉ có thể sống bằng lương và trông chờ vào những khoản phụ cấp, trợ cấp của ngành. Nhưng với khoản phụ cấp mỗi tháng 500.000 đồng, chỉ như muối bỏ biển với công sức người thầy… |
Cô giáo Phạm Thị Tuyết Loan đã có hơn 15 năm gắn bó với Trường TH Thạnh An, chấp nhận xa chồng và đứa con nhỏ ở huyện Bình Chánh. Hơn chục năm nay, mỗi tuần cô gặp gia đình nhỏ của mình 1 ngày. “Ngày mới về ấp Thiềng Liềng, tôi sống một mình trong căn phòng tạm làm nhà tập thể, điện không có, nhà vệ sinh cũng không, giống như đang sống một mình trên đảo hoang. Tôi phát hoảng muốn bỏ nhưng thấy học trò ở đây tội lắm, lấm lem, thiếu thốn mà trời mưa vẫn lội nước đến trường. Nước ngập đến ghế cũng leo lên bàn ngồi học. Vậy là mình ở lại…”, cô giáo Loan chia sẻ.
“Ở đây, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề, không internet, phải trèo lên ngọn cây mới bắt được sóng điện thoại di động… như tách biệt với thế giới bên ngoài. Sau giờ dạy, GV hoặc đi thăm nom học trò làm công tác chủ nhiệm hoặc ở lại nhà tập thể soạn giáo án. Lúc mới về đây, em chỉ biết khóc”, cô Đinh Thị Liễu kể.

Thầy trò Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) cùng vượt khó trong ngôi trường thiếu thốn cơ sở vật chất.Ảnh: NG.THỦY
Nhưng, người ở lại đâu chỉ đối diện với chuyện đò giang cách trở… Trong số 366 học sinh của trường, có đến 290 em thuộc diện xóa đói giảm nghèo, ba mẹ lo cái ăn chưa đủ no nói chi đến chuyện chăm chút cho con em học tập. Có em đến mùa làm muối phải nghỉ học phụ gia đình nên vài năm trước đây số học sinh nghỉ học vì vụ mùa khá phổ biến. GV tổ chức dạy kèm, phụ đạo thêm cho các em vào ban đêm nên 2 năm học gần đây, không còn học sinh bỏ học.
Chuyện GV vì khó khăn bỏ trường không còn là hiện tượng của riêng một trường ở xã đảo, mà hầu hết các trường vùng ven, ngoại thành của TPHCM vẫn còn khó khăn. Sự ra đi không chỉ để lại nỗi niềm nơi những học trò nhỏ mà còn là một khoảng trống chuyên môn khó lấp đầy
TIÊU HÀ