
Dòng kiều hối chuyển mạnh về nước vào dịp cuối năm đã làm cho dịch vụ này tại các ngân hàng diễn ra rất sôi động. Theo dự đoán của nhiều ngân hàng, lượng kiều hối năm nay trên cả nước sẽ tăng 20% - 30% so với năm 2005. Đặc biệt những tháng cuối năm, lượng kiều hối chuyển về sẽ tăng thêm khoảng 50%.
Thông thoáng dòng chảy

Thời gian gần đây lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng, các công ty tăng lên nhiều lần so với trước đây khiến thị trường chuyển tiền chui bên ngoài thu hẹp nhanh.
Có kết quả này là nhờ các quy định ngày càng thông thoáng, tạo thuận lợi cho người nhận kiều hối được nhận ngoại tệ mặt và các công ty kiều hối tăng cường chất lượng dịch vụ như giao tiền tận nhà trong vòng 24 giờ, người nhận tiền được gọi điện thoại miễn phí báo tin cho người thân ở nước ngoài...
Theo Công ty Kiều hối Đông Á (thuộc Ngân hàng TMCP Đông Á - EAB), 10 tháng đầu năm 2006 doanh số kiều hối của công ty đạt 637 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo doanh số kiều hối của EAB năm 2006 đạt 765 triệu USD, tăng 12% so với năm 2005.
Ông Phạm Văn Tân, Phó Tổng Giám đốc EAB, cho rằng hoạt động chi trả kiều hối tại ngân hàng diễn ra thuận lợi cùng với chính sách thông thoáng của nước ta đã góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư về nước.
Bên cạnh việc tăng cường chất lượng và dịch vụ, nhiều ngân hàng còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi. Hằng năm EAB đều có quà tặng cho khách hàng nhận tiền nhân dịp tết (đồng thời công ty đối tác ở nước ngoài cũng có quà tặng cho người gửi tiền).
Hiện nay EAB có chương trình “Du lịch cùng kiều hối Đông Á” với 60 suất du lịch nước ngoài cho người nhận ở Việt Nam. Các ngân hàng còn cải tiến quy trình nghiệp vụ, bố trí cán bộ ngân hàng chi trả kiều hối đến 21 giờ, cử nhân viên chi trả tại nhà cho khách hàng vào những ngày nghỉ, lễ.
Tuy mới thành lập nhưng Trung tâm Dịch vụ khách hàng ACB Western Union (767 – 769 Hồng Bàng, quận 6 TPHCM) của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thu hút nhiều người dân đến giao dịch. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ACB vừa đưa trung tâm giao dịch 7 ngày/tuần, bao gồm cả thực hiện dịch vụ giao tiền tận nhà và thông báo miễn phí cho khách hàng.
Rầm rộ kế hoạch phát triển
Để đón dòng kiều hối khắp nơi chuyển về, các ngân hàng đã bắt đầu thiết lập những kênh chuyển tiền mới. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) đã triển khai nhận kiều hối qua hệ thống thẻ E-Parner. Ngân hàng Wells Fargo & Co tại Mỹ cũng bắt đầu vươn kênh chuyển tiền về nước ta thông qua Incombank với phí rất cạnh tranh.
Mặc dù mạng lưới chi nhánh còn hạn chế nhưng trong 10 tháng năm 2006 doanh số kiều hối của Eximbank đạt trên 350 triệu USD và dự kiến từ đây đến cuối năm sẽ đạt 450 triệu USD. Hiện nay Eximbank có quan hệ trên 600 ngân hàng đại lý ở 62 quốc gia trên thế giới, là thành viên của hệ thống thanh toán toàn cầu và có hơn 20 kênh chuyển tiền kiều hối chủ yếu là các ngân hàng đại lý ở các nước Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Đức, Nhật, Singapore…
Theo ông Lê Nguyên Hưng, Trưởng phòng dịch vụ khách hàng cá nhân Eximbank, để đẩy mạnh doanh số kiều hối trong thời gian tới Eximbank sẽ thành lập công ty kiều hối; liên kết với các doanh nghiệp lập đại lý chi trả; mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác ở các thị trường Pháp, Đức, Canada… Ngân hàng đang xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực hợp tác lao động để thu hút nguồn kiều hối từ người lao động nước ngoài.
Công ty kiều hối Sacomrex trực thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa công bố việc tăng thêm vốn điều lệ lên để nâng cao năng lực tài chính, giúp ngân hàng mở rộng được nhiều mạng lưới hoạt động cũng như đầu tư phát triển dịch vụ. EAB hiện đang nhắm đến việc mở rộng thị trường chuyển kiều hối ở các nước châu Á, nơi có nhiều người Việt đang làm việc và sinh sống, nhất là lực lượng xuất khẩu lao động.
THANH THIÊN