Khóm lục bình trổ bông

Lặng lẽ dâng cho đời
Khóm lục bình trổ bông

71 tuổi và gần 50 năm theo ngành y, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng được biết đến là thầy thuốc, nhà giáo, nhà quản lý dày công trong việc xây dựng ngành ung bướu học và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư ở TPHCM và khắp cả nước. Đã có người nói về ông như người vẽ chiếc lá thường xuân trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của văn hào Mỹ O’Henri. Ông chỉ cười hiền: “Hình tượng đó quá đẹp. Tôi không được như vậy đâu!”.

Lặng lẽ dâng cho đời

Ông chỉ ví cuộc đời mình như khóm lục bình, lặng lẽ trổ bông dâng tặng cho đời: “Cuộc đời như lục bình trôi. Nước chảy, chảy theo nước. Nước trở lại, quay theo dòng. Cuộc đời vốn không suôn sẻ, không phải mọi việc đều theo ý mình. Cứ trôi nổi, bồng bềnh… dặt dìu đủ thứ chuyện, tưởng trôi lè phè vậy thôi nhưng lại vừa trôi, vừa trổ bông. Chỉ cần một chút nắng, chút mưa, chút khí trời, một chút phù sa của đời… không đòi hỏi gì nhiều”.

Với câu chuyện đời và những triết lý sống của riêng mình, nhiều người mến ông ở cách sống nhẹ nhàng, tự nhiên theo quy luật đất trời. Ông cứ lặng lẽ nở những bông hoa thành quả lao động tặng cho đời: chữa bệnh, dạy nghề, dạy chuyên môn cho các bác sĩ trẻ, viết sách y học cho mọi người...

Năm 1970, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng tốt nghiệp Đại học (ĐH) Y khoa Sài Gòn. Năm 1972, là Tiến sĩ Y khoa Quốc gia ĐH Y khoa Sài Gòn, giảng viên trẻ duy nhất về ung thư học. Ông vừa làm bác sĩ Khoa Ung thư Bệnh viện (BV) Bình Dân vừa dạy học ở ĐH Y khoa Sài Gòn. Ông kể: “Sau năm 1975, cả đất nước có những chuyển biến mạnh mẽ. Lúc đó thật sự tôi cũng rất lo như nhiều người. Và mình theo dòng chảy, không cưỡng cầu. Bấy giờ bác sĩ chuyên khoa ung thư rất ít, tôi phải túi bụi lo cho người bệnh. Rồi cứ say mê với nghề, niềm vui với công việc cuốn mình theo cho đến bây giờ, tóc đã bạc”.

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng ký tặng sách độc giả

Sau ngày thống nhất đất nước, ông tiếp tục giảng dạy ở Trường ĐH Y Dược TPHCM. Làm việc tại BV Bình Dân, BS Hùng đề nghị đổi tên khoa Ung thư thành khoa Ung bướu và ông là Trưởng khoa Ung bướu đầu tiên. Năm 1985, ông làm Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu TPHCM (gộp khoa Ung bướu BV Bình Dân và BV Ung thư TPHCM). Năm 1990, ông làm Giám đốc BV Ung bướu cho đến năm 2007. Ông luôn cho rằng, mình may mắn khi nhận được sự dạy bảo, dìu dắt tận tụy của những bậc thầy tài năng, tâm huyết với nghề: “Người thầy ảnh hưởng sâu đậm đến tôi là GS Đào Đức Hoành, người sáng lập ngành Ung thư học ở ĐH Y khoa Sài Gòn. Hồi xưa, tôi chọn khoa ung thư vì quá ngưỡng mộ thầy. Theo thầy một thời gian càng phục thầy vì thầy đam mê cái ngành mà người ta chê vì quá khó. Tôi chỉ nghĩ, đó là một môi trường có nhiều cái mới để nghiên cứu, một cuộc chiến đấu thật sự cam go. Căn bệnh ung thư thật đáng sợ nhưng ngành ung bướu thì đáng mê”. Chính cách hành xử của những người thầy như GS-TS Trương Công Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM; GS-TS-Viện sĩ Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… đã thực sự là nguồn động viên BS Hùng trở thành thầy thuốc yêu nghề, thầy giáo yêu trò, nhà quản lý tận tụy.

Gần nửa thế kỷ theo nghề, ông không chỉ mải mê những bài học chuyên môn mà cả những bài học về cách đối nhân xử thế. Ông đã xây dựng BV Ung bướu TPHCM thành bệnh viện chuyên khoa đầu ngành với đội ngũ bác sĩ điều dưỡng chuyên khoa vững tay nghề, nhiều trang thiết bị hiện đại, là cơ sở đào tạo ung bướu quan trọng nhất. Vào tháng 5-2006, GS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nghỉ hưu cuối năm 2007, không còn cực nhọc vì công tác quản lý, ông càng hăng say vun đắp cho mạng lưới phòng chống ung thư. Từ năm 2010, được các đồng nghiệp cả nước tin yêu, bầu ông là Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam. Mong muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đưa các dịch vụ y tế về gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa… luôn là những trăn trở của ông. Ông chịu khó đi tiếp xúc với nhân dân, không ngại những vùng xa xôi. Nói về y đức của nền y tế hiện nay, BS Hùng cho rằng, không thể dễ dàng nhận định được. “Người ta thường bảo “lương y như từ mẫu” và coi ngành y cao quý quá nên hễ có gì không tốt thì người ta trách cứ, trong khi sự đầu tư cho y tế chưa đúng mức. Các ngành kinh tế được quan tâm đầu tư nhưng ngành y lại không được đầu tư cơ sở và vật chất tương xứng. Tôi nhận thấy đội ngũ trẻ hiện nay làm việc đầy nhiệt tình với những kỹ thuật, phương pháp mới rất hay. Tôi quý mến họ và thấy rất vui. Trong khó khăn, mọi người vẫn vươn lên và hết mình vì bệnh nhân”, BS Hùng trải lòng.

Gửi niềm tin cuộc sống

Dấu ấn của GS Nguyễn Chấn Hùng không chỉ là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên BV Ung bướu trở thành địa chỉ hàng đầu trong việc điều trị phối hợp 3 phương pháp phẫu trị, hóa trị và xạ trị; không chỉ là người nuôi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, bác sĩ; đầu tư hệ thống máy móc y tế hiện đại mà đó còn là người gieo niềm tin mạnh mẽ cho rất nhiều bệnh nhân tuyệt vọng qua việc chữa trị và bằng những cuốn sách y học.

Năm 1984, BS Nguyễn Chấn Hùng đã cho ra mắt cuốn sách Ung thư học lâm sàng, tập 1, tập 2 làm giáo trình cho sinh viên ĐH Y dược TPHCM. Viết sách không đơn giản, tuy nhiên nhu cầu hối thúc buộc ông phải tìm tòi, nghiên cứu. Từ năm 1983 đến nay, ông viết nhiều sách, giáo trình chuyên khoa cho sinh viên, bác sĩ... Và chỉ mới 5 năm trở lại đây, ông đóng góp 10 quyển phổ cập cho mọi người: Sương mù tan biến, Sâu thẳm sự sống, Nhẹ bước lãng du, Con người trong vòng vây, Kỳ diệu dàn hòa tấu nội tiết, Ung thư biết sớm trị lành, Cẩm nang phòng trị bệnh ung thư, Dắt dìu về thuở ấu thơ… Bạn đọc đã quá quen chờ đón sách của ông vì sách khoa học nhưng đọc rất dễ hiểu, ngôn ngữ bình dân, đôn hậu và lồng ghép những ý tưởng về đời sống. “Nếu mình viết khô khan quá cũng không được vì chuyện khoa học không thể xa rời đời sống. Cái gì cũng gắn liền với đời sống, chủ yếu mình có thể hiện được nó hay không mà thôi”, BS Hùng chia sẻ.

Trong câu chuyện viết sách, có một kỷ niệm với học giả Nguyễn Hiến Lê khiến ông nhớ mãi. Đọc nhiều sách dạy làm người của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông gửi tặng học giả sách Ung thư học lâm sàng tập 1, tập 2. Trong một dịp gặp gỡ, học giả Nguyễn Hiến Lê thách đố: “Viết sách ở trường y cho sinh viên, theo kiểu hàn lâm thì tốt rồi nhưng cháu có thể viết để phổ cập sao cho mọi người hiểu bệnh ung thư, được không?”. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng năm đó tiếp thu với nhiều trăn trở. Năm 1983, cuốn sách Tìm hiểu bệnh ung thư xuất bản với văn phong dân dã, gần gũi đem đến cho mọi người cái nhìn không bi quan về căn bệnh này. Đây cũng là tài liệu đầu tiên về ung thư mang đến một sự hiểu biết sâu rộng hơn về các bệnh ung bướu: nếu phát hiện sớm, có nhiều cơ may sẽ chữa khỏi và đây là bệnh nan y nên không có thuốc chữa nếu phát hiện quá trễ. Sách đã tái bản hơn 10 lần và ông trở thành người đầu tiên viết sách chuyên ngành về ung thư.

GS Nguyễn Chấn Hùng đã góp phần tiên phong đi sâu vào cách viết không chỉ có kiến thức y khoa hiện đại mà còn hàm chứa cách nhìn qua các câu chuyện thời sự; những câu chuyện hay đem lại sự xúc động, khơi gợi lòng nhân ái và cả sự nhắc nhở con người trước bệnh tật. Thông qua việc viết sách, ông đã góp phần làm phong phú từ ngữ chuyên môn bằng những từ chuyển ngữ ngắn gọn, hàm súc, dễ hiểu: Ung bướu, hóa trị, xạ trị, phẫu trị… Những từ ấy cũng góp phần không nhỏ trong việc chia sẻ gánh nặng của căn bệnh ung thư và tạo niềm tin về sự tiến bộ khoa học để người bệnh an tâm. “Mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh, có người phát hiện bệnh sớm, có người trễ quá. Không thể nói đơn giản vì vấn đề lớn lắm nhưng nói chung bây giờ người ta đã biết có thể phòng tránh ung thư, có thể trị tốt nếu biết bệnh sớm chứ trước đây, nghe tới bệnh ung thư người ta rất tuyệt vọng. Không thể nói hết với mỗi bệnh nhân, tôi chỉ biết gửi gắm niềm tin trong từng trang sách”, ông chia sẻ.

BS Nguyễn Chấn Hùng cũng thường chia sẻ đến các sinh viên y khoa của mình về chữ tâm của nghề: “Giếng nước, ai muốn múc nước bao nhiêu thì cứ lấy chứ giếng không từ chối, không nề hà. Múc rồi, nước không vơi mà tiếp tục dâng đầy, nước giếng càng trong hơn xưa. Giếng luôn mở nắp ra, đón nhận sự sẻ chia… Thầy thuốc học gương của giếng thì hay lắm. Thầy thuốc mà, ai bệnh mình lo, ai tới mình nhận điều trị, không nề hà…”

Vừa qua tuổi 70, người bác sĩ ấy vẫn để hết lòng cho cuộc chiến phòng - chữa bệnh ung thư. Ông luôn từ chối những hình tượng quá đẹp mọi người dành cho mình và chỉ nhẹ nhàng đón nhận cuộc sống như khóm lục bình lênh đênh. Dù có trôi nổi, sức sống của lục bình vẫn biêng biếc trong màu lá, trong màu bông. Và đến ngày nay, khi tóc đã bạc, ông vẫn như thế…

VÕ THẮM - THÀNH SƠN

Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM

Hoặc gửi qua địa chỉ email: cuocthiphongsukysu@sggp.org.vn

- Tác giả dự thi ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016: “Ấn tượng đất nước -  con người Việt Nam”, cùng địa chỉ cư ngụ, số điện thoại liên lạc.

- Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo tác phẩm dự thi. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục