Khốn khó mua phải nhà trên đất nông nghiệp

Giới đầu cơ đất đã “phù phép” xây dựng hàng chục căn nhà trên đất nông nghiệp ở phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), rồi bán lại. Qua rà soát, ngành chức năng phát hiện đây là những công trình xây dựng trái phép và tiến hành cưỡng chế.
Gia đình anh Phan Đình Tèo ở lều tạm vì căn nhà đã bị cưỡng chế, tháo dỡ do xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Gia đình anh Phan Đình Tèo ở lều tạm vì căn nhà đã bị cưỡng chế, tháo dỡ do xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Bỗng chốc mất nhà

 Gần một tháng nay, gia đình anh Phan Đình Tèo (Buôn Ky, phường Thành Nhất) phải tá túc trong túp lều nhỏ được che tạm bợ bằng bạt rách và vài tấm tôn cũ gom nhặt lại từ ngôi nhà mới bị cưỡng chế tháo dỡ. Vừa sửa lại mái lều, anh Tèo buồn rầu nói: “Toàn bộ tài sản mất trắng, không còn chỗ ở nữa nên che tạm cho vợ và 3 đứa con nhỏ có chỗ tránh nắng, mưa”.

Nói về nguồn gốc căn nhà, anh Tèo kể, năm 2020, do tin tưởng một chủ thầu xây dựng, vợ chồng anh đã gom góp, vay mượn hơn 600 triệu đồng để mua căn nhà tại hẻm 293 Nguyễn Thị Định, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột. Có nơi an cư, vợ chồng anh Tèo đặt bao dự định, thế nhưng, niềm vui trong căn nhà mới chưa được bao lâu thì qua kiểm tra, UBND phường Thành Nhất phát hiện nhà xây dựng trái phép nên buộc tháo dỡ. 

Không riêng gia đình anh Tèo, 23 căn nhà còn lại trong con hẻm 293 Nguyễn Thị Định đều chung tình cảnh bị cưỡng chế, tháo dỡ vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Hầu hết các hộ dân đều là dân lao động phổ thông, phải vay mượn để mua nhà theo hình thức “chìa khóa trao tay” do giới đầu cơ đất “phù phép” xây dựng. 

Đáng nói, nhiều hộ dân mua nhà ở khu vực này được chính quyền địa phương xác nhận nhà ở hợp pháp, ổn định, không thuộc diện di dời, giải tỏa... Thậm chí, có những hộ được UBND phường Thành Nhất xác nhận nhà ở hợp pháp trước thời điểm giao dịch mua bán. Như trường hợp của ông Trần Văn Tiến được UBND phường Thành Nhất xác nhận nhà ở ổn định, không tranh chấp từ ngày 7-12-2021. Nhưng đến ngày 11-12-2021, ông Tiến với chủ đất mới thực hiện giao dịch mua bán. 

“Thời điểm mua nhà, chủ nhà hứa lo hết các thủ tục pháp lý, thậm chí họ còn làm cả giấy xác nhận nhà ở hợp pháp trước khi giao dịch nên tôi hoàn toàn tin tưởng bỏ ra hơn 600 triệu đồng để mua. Không ngờ rằng mới dọn về ở được vài tháng thì nhà đã bị cưỡng chế, tháo dỡ”, ông Trần Văn Tiến nghẹn ngào kể. 

Có tiếp tay?

 Để tìm hiểu về vụ việc, phóng viên đã nhiều lần liên hệ qua số điện thoại của chủ đất bán nhà cho người dân nhưng không liên lạc được. Lãnh đạo UBND phường Thành Nhất cũng từ chối trả lời về việc xác nhận nhà ở hợp pháp cho người dân tại hẻm 293 Nguyễn Thị Định. 

Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết, để lập lại kỷ cương trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND thành phố đã giao cho chủ tịch UBND phường, xã rà soát lại toàn bộ địa bàn, nghiêm cấm tất cả các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đối với những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ giai đoạn 2020-2021 buộc phải tháo dỡ trước ngày 30-6.

Nói về việc nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Nhất đã xác nhận nhà ở hợp pháp sao lại còn cưỡng chế tháo dỡ gây thiệt hại cho người dân, ông Vũ Văn Hưng cho biết: Giấy xác nhận nhà ở hợp pháp mà bà Nguyễn Thị Loan (nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Nhất) ký xác nhận là hoàn toàn sai quy định. Chúng tôi đã đưa vấn đề này ra cuộc họp và đó là một trong những lý do để thi hành quyết định kỷ luật với hình thức cách chức đối với bà Nguyễn Thị Loan.

Việc nguyên Chủ tịch UBND phường Thành Nhất ký xác nhận nhà ở hợp pháp, có tiếp tay cho giới đầu cơ nhà đất xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hay không, rất cần chính quyền, công an TP Buôn Ma Thuột vào cuộc điều tra, xử lý. Nhưng trên hết là hàng chục hộ dân ngộ nhận mua nhà, nay đang thiệt hại, trắng tay, chính quyền địa phương phải sớm có phương án hỗ trợ, giúp dân an cư.

Tin cùng chuyên mục