Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng:

Không bán đúng giá niêm yết sẽ bị xử lý nghiêm

Lượng hàng tết tăng từ 20% - 30%
Không bán đúng giá niêm yết sẽ bị xử lý nghiêm

TPHCM đã và đang làm gì để đảm bảo nguồn hàng, bình ổn giá cả trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới? PV Báo SGGP đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng về những vấn đề này.

Lượng hàng tết tăng từ 20% - 30%

PV:
Thưa Phó Chủ tịch (PCT), bà có thể cho biết công tác chuẩn bị hàng tết tại các DN chủ lực đến nay đã đạt được bao nhiêu so kế hoạch? 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng:
Năm 2008 khép lại đã để lại cho chúng ta khá nhiều điều phải suy ngẫm. Với những người điều hành, vấn đề nổi bật nhất là tình trạng khan hiếm hàng hóa và phải đối phó với tin đồn thất thiệt. Để chuẩn bị cho Tết Kỷ Sửu 2009, ngay từ tháng 8-2008, UBNDTP đã xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết theo hướng đảm bảo đủ số lượng, hàng hóa đa dạng phong phú, giá cả hợp lý.

Để thực hiện kế hoạch này, TP đã hỗ trợ 409 tỷ đồng cho 9 DN chủ lực dự trữ nguồn hàng. Đến thời điểm này, lượng hàng hóa chuẩn bị đã đạt gần 100% kế hoạch, tương đương với 100% số tiền hỗ trợ đã được giải ngân.

Không bán đúng giá niêm yết sẽ bị xử lý nghiêm ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng trao đổi với tiểu thương chợ Bến Thành về công tác chuẩn bị hàng tết, giá cả hàng hóa. Ảnh: Hải Hà

Xin PCT cho biết cụ thể hơn về các mặt hàng thiết yếu đã được dự trữ?

Tôi có thể nói ngay là TP đã chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 20% - 30% so với năm 2008. Các mặt hàng chủ lực được tập trung dự trữ bao gồm: gạo, dầu ăn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến các loại; đường, bột ngọt…

Công tác dự trữ phải đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Với lượng hàng dồi dào, tôi đảm bảo tết năm nay hàng hóa thiết yếu sẽ không thiếu. 

Như vậy lượng hàng không thiếu, nhưng đến nay giá một số mặt hàng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng. Nhiều ý kiến lo ngại, giá hàng tết vẫn là ẩn số?

Thông thường diễn biến giá hàng hóa vào những ngày cận tết rất khó lường. Nhưng năm nay ngoài việc được TP hỗ trợ 409 tỷ đồng, các DN còn gặp nhiều thuận lợi trong việc dự trữ vì giá hàng hóa trong những tháng cuối năm giảm mạnh. Các DN được hỗ trợ vốn phải chấp hành các điều khoản cam kết tham gia chương trình bình ổn giá hàng hóa, không được tùy tiện tăng giá. Giá các mặt hàng thiết yếu của 9 DN này phải thấp hơn ít nhất 10% so với giá thị trường.

Mặt khác, sức mua trong thời gian qua là khá chậm, nếu các DN tăng giá bán thì sẽ không khuyến khích người dân mua sắm. Bằng những điều này, tôi nghĩ rằng giá hàng hóa sẽ không là quá “nóng” so với những năm trước. 

TP sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát giá như thế nào?

Chưa bao giờ chúng tôi lơ là trong vấn đề kiểm tra hàng dự trữ và giám sát hàng tết. UBND TP xác định, nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách sắp tới của các sở, ngành đó là thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, theo dõi sát việc thực hiện chuẩn bị nguồn hàng của các DN. Đồng thời tiến hành kiểm tra thị trường để ngăn chặn hàng lậu, hàng gian, hàng giả và chống đầu cơ ghim hàng, bán không đúng giá niêm yết… nhằm góp phần bình ổn thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, không để việc tăng giá ảnh hưởng đến người dân.

Nhưng trên thực tế thì việc kiểm soát giá là rất khó vì chúng ta chưa có cơ sở để so sánh giá bán của nhà sản xuất với giá bán trên thị trường?

Đúng vậy. Việc quản lý giá cả trong cơ chế thị trường, đặc biệt trong điều kiện giá cả thế giới có nhiều biến động là rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là chúng ta không kiểm soát được, nếu biết phối hợp để triển khai đồng bộ và kiên quyết. Với nhóm những mặt hàng thiết yếu thì Chính phủ cũng đang yêu cầu các DN sản xuất và kinh doanh phải kê khai, đăng ký và niêm yết giá bán. Nếu các DN không bán theo giá niêm yết sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trong khi chờ đợi hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, TPHCM sẽ kiểm soát và điều hành giá theo hướng nào, thưa Phó Chủ tịch?

Để kiểm soát và điều hành hàng hóa cũng như giá cả hiệu quả, trước mắt là cao điểm mua sắm vào các dịp lễ, tết, tôi cho rằng chúng ta không thể thực hiện bằng mệnh lệnh suông. Vừa phải dùng biện pháp tăng cường giám sát, vừa làm việc trực tiếp với các DN nhằm đảm bảo và chia sẻ quyền lợi 3 bên: nhà nước – DN – người tiêu dùng. Cách mà TP hỗ trợ tiền cho DN chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm không nằm ngoài những mục đích này.

Xin cảm ơn bà!

THÚY HẢI thực hiện

Tin cùng chuyên mục