Không chấp nhận cách làm dự án theo kiểu “đếm cua trong lỗ”

Ngày 13-5, phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc sau khi hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự.
 Quan cảnh phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUANG VINH

Làm rõ việc chậm giải ngân vốn

Trước khi bế mạc, UBTVQH đã xem xét việc bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý, Chính phủ mới trình số bổ sung dự toán năm 2022 là trên 18.349 tỷ đồng, mà chưa trình danh mục cụ thể các dự án sử dụng nguồn vốn là chưa đầy đủ, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Về phương thức thực hiện điều hòa vốn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 rất chậm. Năm 2021, số giải ngân vốn ngân sách nhà nước so với tổng nguồn vốn đầu tư công đạt 78,74%. Năm 2022, theo tờ trình của Chính phủ, số vốn ngân sách nhà nước các bộ, ngành, địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là hơn 38.686 tỷ đồng, bằng 7,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến 31-3 là 61.536 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ vốn, không để tình trạng bổ sung vốn nhưng không bảo đảm tiến độ giải ngân số vốn tăng thêm, phải chuyển nguồn, kéo dài sang năm sau, sử dụng vốn không hiệu quả.

Không chấp nhận cách làm dự án theo kiểu “đếm cua trong lỗ” ảnh 2 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG VINH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tác động rộng lớn đến đối tượng thụ hưởng. “Nghị quyết của Quốc hội ban hành với tiến độ làm trong 5 năm nhưng giờ đã hết 1,5 năm mà còn loay hoay. Do đó cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm trễ ở đâu, do ai”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói. Theo Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã thống nhất đây là một trong những nội dung trình Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao trong năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất về mặt nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến để phân bổ theo đúng nguyên tắc đã nêu trong nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không phân tán dàn trải hay chồng chéo. 

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư

“Về 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng (giai đoạn 1), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết. 

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng giao thông đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu. Đặc biệt, hiện nay, các tỉnh thuộc phạm vi các dự án đang triển khai, thực hiện lập quy hoạch tỉnh. Do đó, các địa phương cần cập nhật, cụ thể hóa các dự án này trong quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…; lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư.

Góp ý về các dự án nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý đến cơ cấu nguồn vốn. Với nguồn vốn từ ngân sách địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng “chưa chắc chắn”, vì hiện nay chỉ mới có văn bản cam kết của một số UBND tỉnh, trong khi UBND lại không phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định. “Các địa phương cũng phải cam kết cả về tổng mức đầu tư, tiến độ dự án cũng như trường hợp tổng mức đầu tư tăng lên thì mới đủ điều kiện xem xét”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đến nay, Chính phủ vẫn chưa báo cáo xem nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi được bao nhiêu và dự kiến sử dụng như thế nào. Riêng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rõ nhất nhưng lại chiếm tỷ lệ không lớn (chỉ khoảng 9.620 tỷ đồng), trong khi chính do có số vốn này mà các dự án mới được hưởng cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đầu tư, tính khả thi về vận hành, thu phí…, cũng còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, không thể chấp nhận cách làm dự án theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, mà phải tính toán rất cụ thể, khoa học.

Tin cùng chuyên mục