Không để di sản “ngủ quên”

Kết nối  di tích nhằm phát triển du lịch là nội dung chính của buổi tọa đàm được tổ chức tại Đồng Nai mới đây. Dù mới dừng lại ở những gợi mở, nhưng vấn đề đặt ra trong việc giữ gìn và phát huy di sản đã không chỉ có ý nghĩa với Đồng Nai mà còn với nhiều vùng trên cả nước, trong đó có TPHCM. 
Thành phố Biên Hòa hôm nay. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Thành phố Biên Hòa hôm nay. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Cần xây dựng bản đồ di sản 

Theo chia sẻ của bà Đặng Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Nai, hiện ở Đồng Nai có 57 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 29 di tích được xếp hạng quốc gia. Các di tích được xếp hạng đa số được bảo tồn khá tốt như căn cứ Trung ương Cục miền Nam, mộ cổ Hàng Gòn, chùa Đại Kiến, đình Tân Lập… 

Ngoài số lượng di tích đa dạng, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội còn cho rằng, Đồng Nai có một lợi thế mà nhiều nơi khác không có, đó chính là tư liệu lịch sử quý giá. Một số nơi chỉ có di sản nhưng lại không có câu chuyện đằng sau. Đồng Nai, cụ thể là Biên Hòa có Cù Lao Phố, được hình thành vào thế kỷ 17, từng có một giai đoạn phát triển cực thịnh dưới thời chúa Nguyễn, nhất là giao thương giữa các vùng miền. “Tôi lấy làm tiếc khi Biên Hòa có rất nhiều di tích khảo cổ nhưng chưa biết cách bảo tồn vì không có chuyên gia”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc bày tỏ. 

Chương trình tọa đàm còn có sự tham dự của một số chuyên gia đến từ Malaysia. Sau thời gian ngắn khảo sát các di sản và di tích tại Biên Hòa, GS-TS Badaruddin Mohamed Trường Đại học Sains, Malaysia, đánh giá: “Biên Hòa có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tôi mong nơi đây không chỉ trở thành địa điểm thu hút du khách, mà còn phải tạo ra những sản phẩm độc đáo. Những sản phẩm đó phải được đánh giá, kết nối với nhau một cách bài bản, logic. Đặc biệt, Biên Hòa cũng cần giữ lại những ngôi làng truyền thống, những nét văn hóa, phong tục truyền thống của địa phương”. 

GS-TS Badaruddin Mohamed gợi ý thêm: “Chúng ta phải trả lời được, du khách tiềm năng mà mình đang nhắm tới là ai, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp, càng nhiều sản phẩm càng tốt, để có thể phát triển một cách toàn diện. Điều quan trọng nhất là sự tham gia của mọi người ở địa phương. Bởi thành công của bất kỳ một di tích nào cũng thuộc về người dân địa phương đó”.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc chỉ ra một thực tế của Biên Hòa, là chưa có sự kết nối đồng bộ giữa quy hoạch các cụm di tích và chiến lược phát triển. Theo ông, Biên Hòa cần sớm đưa ra bản đồ di sản - liên kết và hệ thống hóa các di sản đơn lẻ thành một hệ thống tổng thể. Ngoài ra, nơi đây cũng cần tiến hành các mô hình thử nghiệm của hệ sinh thái di sản văn hóa dựa trên cộng đồng kết hợp với khu vực xung quanh: phố nghệ thuật, khu ẩm thực truyền thống… 

Riêng về địa phương, là các cơ quan phụ trách phát triển văn hóa du lịch, theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, phải xác định chiến lược phát triển các loại hình du lịch tại địa phương. Có khá nhiều các loại hình du lịch, dựa theo sản phẩm như du lịch đại chúng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử… Tất cả phụ thuộc vào chiến lược của địa phương khi lựa chọn đường hướng phát triển, hướng nào là trọng điểm và các yếu tố phụ trợ cũng cần phải tính toán để có sự phát triển đồng bộ. 

Phải có tầm nhìn chiến lược đúng đắn 

Để di sản “ngủ quên” là thực tế không chỉ riêng ở Biên Hòa mà còn khá phổ biến ở Việt Nam. Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, địa phương làm tốt nhất công tác giữ gìn và phát huy di sản hiện nay chính là Hội An. Vậy nên, sau thời gian thử nghiệm ở Biên Hòa, dự án có thể triển khai tại các địa phương khác. Theo chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, hiện tại TPHCM cũng đang đặt vấn đề xây dựng thành phố di sản. Đây chính là mong muốn chung của một số lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố. 

Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng Biên Hòa hay một số địa phương khác đều có thể học tập từ Penang (Malaysia) trong việc giữ gìn và phát huy di sản. Vì là bán sa mạc nên ở đảo Penang chỉ trồng được dừa, nông sản phải nhập từ Thái Lan, Việt Nam. Về di sản, Penang không có nhiều nhưng họ biết giữ những căn nhà cũ để làm art-street (con đường nghệ thuật) và đặc biệt là ẩm thực địa phương. Ở Penang, ẩm thực cũng được xem là di sản của thành phố. 

GS-TS Badaruddin Mohamed tiết lộ: “Ở Penang, rất nhiều người đến đây để ăn các món ăn khác nhau trên thế giới. Thậm chí, có những người sẵn sàng lái xe hàng tiếng đồng hồ từ Kuala Lumpur đến Penang để ăn rồi về. Du khách khi đến đây rất thích chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Chính quyền Penang biết điều này nên đã thay đổi, thiết kế lại thành phố để thu hút càng ngày càng nhiều người trẻ đến đây. Chính điều này đã làm thay đổi hình ảnh, bộ mặt của thành phố Penang”. 

 Một vấn đề gây nhức nhối hiện nay là bài toán giữa bảo tồn, gìn giữ di sản với phát triển kinh tế. Đã có những tiếng kêu từ giới chuyên môn, nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều di sản, di tích bị “xóa sổ”. Theo GS-TS Badaruddin Mohamed, bài toán này không chỉ riêng Việt Nam mà là vấn đề ở nhiều thành phố du lịch, thành phố di sản trên thế giới như Kyoto (Nhật Bản), Luang Phrabang (Lào)…

“Nguyên nhân của vấn đề này là sự đầu tư của nước ngoài để phát triển kinh tế, làm biến đổi nền kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thay đổi đời sống cộng đồng người dân. Người dân sẽ phải di dời khỏi khu vực đó, phải thay đổi phong cách, tập quán lối sống, văn hóa của họ. Vấn đề ở đây cần có sự can thiệp của chính quyền địa phương, đó chính là mấu chốt để gìn giữ thành phố di sản. Chính vì vậy, địa phương phải có tầm nhìn chiến lược, cũng như những quy hoạch như thế nào để có thể đảm bảo và tránh được những vấn đề tồn tại như đã đề cập”, GS-TS Badaruddin Mohamed cho biết.

Tin cùng chuyên mục