Không hạn chế hoạt động tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng cứu trợ

* Mọi tổ chức, cá nhân có thể chuyển tiền cứu trợ trực tiếp cho nạn nhân
Không hạn chế hoạt động tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng cứu trợ

* Mọi tổ chức, cá nhân có thể chuyển tiền cứu trợ trực tiếp cho nạn nhân

Cách đây không lâu, báo chí đã phản ứng khá mạnh về dự thảo quy chế về “tổ chức kêu gọi vận động, quyên góp ủng hộ, tiếp nhận, phân bổ quản lý, sử dụng tiền, hàng cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai” do Bộ LĐTB-XH soạn thảo để ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ban đầu, dự thảo đưa ra quy định: chỉ có một số đầu mối có nhiệm vụ tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ như MTTQ, Chữ thập đỏ (CTĐ), Báo Lao động, Đài truyền hình VN… nên đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Vì có nhiều ý kiến cho rằng, quy chế đã thể hiện sự can thiệp hành chính vào hoạt động quyên góp ủng hộ của người dân - vốn được coi là một hoạt động hoàn toàn tự nguyện…

Không hạn chế hoạt động tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng cứu trợ ảnh 1
Bạn đọc đến Báo SGGP đóng góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Ảnh: H.NH.

Sau một thời gian tiếp thu các ý kiến, hôm qua 23-11, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH tổ chức một cuộc họp với thành phần tham dự gồm đại diện nhiều bộ ngành, tổ chức đoàn thể và các cơ quan báo chí để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo lần 2 của quy chế này.

Về cơ bản, dự thảo lần này đã “mở” tối đa cho công tác tổ chức, kêu gọi vận động, quyên góp ủng hộ, tiếp nhận, phân bổ quản lý, sử dụng tiền, hàng cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai. Vì vậy, tuy còn một vài băn khoăn nhưng đại đa số các ý kiến đóng góp đã đồng tình với dự thảo và đề nghị sớm trình Chính phủ ban hành quy chế. Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Đàm Hữu Đắc nói rõ hơn về vấn đề này:

- Hiện vẫn còn một số ý kiến cho rằng có nhất thiết phải có quy chế này không. Hàng chục năm qua, trực tiếp làm công tác phân bổ tiền cứu trợ cho đồng bào vùng bị thiên tai, tôi thấy từ trung ương xuống địa phương đều lúng túng trong việc quản lý, phân bổ nguồn cứu trợ. Hiện vẫn còn tình trạng phân bổ quá muộn hoặc không hợp lý.

Có nơi phân bổ muộn quá nên đề nghị chuyển tiền cứu trợ vào quỹ dự phòng địa phương; hoặc có nơi địa phương làm rất cẩu thả, phân bổ cả quần áo tang, quần áo rách cho đồng bào; có nơi để hàng cứu trợ quá lâu, không bảo quản nên bị hư hỏng; có nơi được nhận quá nhiều, có nơi được nhận quá ít… Tất cả những hạn chế này là do chưa có một quy chế nào về vấn đề này.

Vì vậy Chính phủ đã chỉ đạo phải ra một quy chế để hoạt động cứu trợ nhằm huy động cao nhất sự ủng hộ của nhân dân, đồng thời phân bổ hợp lý, minh bạch và hiệu quả nguồn cứu trợ. Dự thảo ban đầu của quy chế có thể chưa hoàn thiện nên vấp phải phản ứng của dư luận, chúng tôi phải tiến hành làm lại, nhưng tinh thần chung là không có sự “thâu tóm”, “độc quyền” trong công tác tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ.

- Cụ thể, quy chế đã được sửa đổi như thế nào, thưa ông?

- Khi có thiên tai xảy ra trên diện rộng làm hàng trăm người bị chết, mất tích, bị thương và thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng thì UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức kêu gọi vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai. Trường hợp khi thiên tai gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản và sản xuất thì Thủ tướng Chính phủ ra lời kêu gọi vận động. Sau khi có kêu gọi vận động, ở các cấp sẽ tiến hành thành lập Ban vận động.

Theo đó, thủ trưởng các đơn vị cùng cấp quyết định thành lập Ban vận động, tiếp nhận của cấp mình; MTTQ Việt Nam và Hội CTĐ Việt Nam thành lập ban vận động, tiếp nhận theo hệ thống từ trung ương đến địa phương. Quy chế cũng quy định rõ, ngoài 2 hệ thống tiếp nhận trên đây, Ban vận động, tiếp nhận của các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài hưởng ứng cuộc vận động tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ cho đồng bào và địa phương vùng bị thiên tai (trong đó có các cơ quan báo chí) thì có thể chuyển về ban vận động tiếp nhận của các đơn vị; của MTTQ, của CTĐ; hoặc chuyển về Ban tiếp nhận, phân phối tiền hàng của địa phương vùng bị thiên tai; hoặc trao trực tiếp cho đồng bào vùng bị thiên tai.

- Có phải đây chính là mục tiêu “mở” tối đa của quy chế để huy động sức cứu trợ của nhân dân?

- Đúng vậy. Việc huy động tiền cứu trợ không có hạn chế. Tất cả các tổ chức, cơ quan đều được đứng ra vận động cứu trợ. Tiền huy động được cũng không bắt buộc phải tập trung về MTTQ hay Hội CTĐ, hoàn toàn có thể trao trực tiếp cho địa phương hoặc có thể chuyển thẳng cho người được cứu trợ. Tuy nhiên, quy chế quy định tiền huy động được phải nhanh chóng chuyển về cho nơi cần cứu trợ, tránh tình trạng để tồn đọng tiền cứu trợ quá lâu. Còn vì sao quy chế vẫn quy định 2 hệ thống MTTQ và Hội CTĐ là vì đây là 2 tổ chức có hệ thống từ trung ương đến địa phương.

- Theo ông, quy chế này sẽ giúp khắc phục được những bất hợp lý trong công tác cứu trợ như thời gian qua?

- Tôi tin là sẽ khắc phục được. Thứ nhất là cơ quan tiếp nhận ở địa phương được quy định rất chặt chẽ, có ban vận động và các ban vận động tiếp nhận ở cấp huyện, tỉnh và trung ương đều phải mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng để thống nhất quản lý số tiền cứu trợ. Điều này sẽ hạn chế tình trạng thất thoát, xà xẻo tiền cứu trợ. Ngoài ra, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ là cơ quan có nhiệm vụ điều tiết nguồn tiền cứu trợ để phân bổ cho các địa phương một cách hợp lý, tránh tình trạng phân bổ quá chênh nhau như thời gian vừa qua.

- Xin cảm ơn ông. 

QUANG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục