Mấy tuần qua, chiến sự tại Lebanon xảy ra ác liệt khiến những gia đình có người thân đang lao động tại Lebanon thấp thỏm lo âu về sinh mệnh con, em, anh, chị họ vì chiến tranh có thể lan rộng và kéo dài. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cử ông Trần Việt Tú, Tham tán sứ quán Việt Nam tại Ai Cập sang Beirut để giải quyết việc di tản lao động Việt Nam tại Lebanon về nước.
Trong số lao động Việt Nam tại Lebanon có nhiều người đã đăng ký và làm thủ tục để về nước nhưng sau đó không về. Việc này khiến cho gia đình họ ở Việt Nam không khỏi lo lắng và có nhiều thắc mắc. Có 3 trường hợp lao động Việt Nam ở Lebanon được gia đình đặc biệt quan tâm từ nhiều năm vì không nhận được tin gì nên đã báo với Bộ Ngoại giao ta là mất tích. Ngày 7-8, ông Trần Việt Tú đã thông báo với PV SGGP biết cụ thể từng trường hợp bị coi là mất tích này như sau:
° Thưa ông, trong nước có gia đình đề nghị tìm người nhà bị mất tích ở Lebanon ngay từ khi chiến sự nổ ra, ông đã tìm được chưa?
° Ngay khi chiến sự xảy ra ác liệt, người nhà họ đã điện thoại sang hỏi về số phận của vợ, con, em họ. Tôi đã truy tìm người môi giới đưa lao động đi Lebanon. Việc tìm kiếm này không dễ dàng vì họ giấu tên, giấu địa chỉ của người môi giới đi Lebanon. Cần nói rõ, số người lao động (LĐ) ở Lebanon là LĐ tự do chứ không do Nhà nước quản lý nên khó tìm được địa chỉ. Cuối cùng cũng tìm được người môi giới, nhưng họ khăng khăng không biết địa chỉ của người họ đã đưa đi. Chúng tôi phải nói: Nếu không nói địa chỉ của LĐ ở đâu thì chúng tôi đưa ra tòa về tội môi giới đưa LĐ trái phép. Tuy nhiên, có địa chỉ rồi mà không thể liên lạc được vì họ bảo chủ nhà không cho về nước.
° Ông có thể cho biết tên và địa chỉ LĐ Việt Nam không về nước có gia đình ở đâu? Qua báo chí, có thể họ hiểu nguyện vọng vợ, con, em họ muốn gì?
° Tôi rất buồn phải thông báo về trường hợp cô Đặng Huyền Nga. Người quen biết cô Nga đăng ký cho cô Nga về nước đợt đầu tiên. Nhưng cô không về. Người nhà cô Nga gọi từ Việt Nam sang cho tôi, đề nghị tìm cô Nga và mong cô về nước để gia đình an tâm. Tôi gọi điện đến thì cô Nga bảo chủ nhà không cho về, không cho điện thoại. Truy theo số điện thoại, tôi tới tìm cô Nga. Cô buộc phải gặp nhưng lại mắng tôi: “Ông không can thiệp bắt tôi về nước được. Khi nào tôi muốn về thì tự về không cần đến ông”.
Trường hợp thứ hai là cô Nguyễn Thị Thanh Nga có mẹ tên là Hòa, anh tên là Nho liên tục gọi (từ Đống Đa-Hà Nội) sang nhờ tôi tìm giúp và đưa con gái bà về nước. Cô Thanh Nga do hai người tên là Đặng Công Tráng và Hoàng Quốc Mậu ở Hà Tây đưa đi Lebanon. Gia đình cô nói chỉ có một lần duy nhất cô gửi tiền về sau vài tháng đi Lebanon, cô đã mất tích 6 năm qua, không thư từ, không điện thoại gì về nhà. Cả nhà lo lắng nên qua số điện thoại đăng trên báo nhờ tôi tìm giúp. Nhưng khi tôi và đoàn báo chí đến tìm cô Thanh Nga, thì chính cô ấy ra mắng chửi đuổi cả đoàn ra khỏi nhà. Cô ấy cũng bảo không cho phép tôi can thiệp vào việc riêng của cô ấy. Cô ấy không về thì không ai có quyền ép cô ấy về nước.
Người thứ ba là cô Nguyễn Thị Tâm, chồng là Lê Văn Năm ở Hải Dương đã gửi điện cho tôi (fax từ Hãng phim truyện VN) nhờ giúp tìm kiếm và đưa cô Tâm về nước. Cô Tâm cũng bị coi là mất tích vì gia đình báo không có tin tức gì và không biết địa chỉ ở Lebanon. Tôi đã tìm được và gọi đến nhưng cô Tâm bảo chủ nhà không cho về. Tình thế buộc tôi phải tìm đến tận nơi, thì ra cô ấy không muốn về và tôi cũng bị nghe những lời không hay ho gì khi có ý định giúp đỡ cô Tâm về nước cho gia đình khỏi lo lắng.
Dù chúng tôi rất nhiệt tình và biết gia đình họ lo lắng thực sự cho số mệnh họ nơi bom rơi đạn lạc này, nhưng họ không muốn về và không chịu gọi điện về nhà thì tôi cũng chịu. Họ không mất tích, họ chỉ không muốn về nước mà thôi! Thực tế, có nhiều LĐ đã được Nhà nước quan tâm để làm giấy tờ đăng ký về nước, rồi không về nữa.
° Xin cảm ơn ông
Thuûy Vaân (thöïc hieän)
- Chiều 8-8: 17 lao động Việt Nam về nước đợt 2 đã tới Syria
Ngày 8-8, Tham tán Trần Việt Tú điện từ Beirut về cho biết: Sáng qua 8-8, 17 lao động Việt Nam tại Lebanon đăng ký về nước đợt 2 đã được đưa tới Syria. Mặc dù gặp nhiều trở ngại do bị bom phá, nhưng các tổ chức có trách nhiệm đưa người đi di tản đã đảm bảo chuyến đi an toàn. Tại Damascus, đại diện ngoại giao ta đã mua vé máy bay cho bà con về Việt Nam bằng đường hàng không. 17 người sẽ bay đi Bangkok và trở về Việt Nam đúng lịch trình.
Hiện một số lao động Việt Nam còn lại chưa có ý định về nước. Tuy nhiên, nếu ai muốn về nước dịp này (trong tình trạng chiến tranh) thì đăng ký với đại diện IOM tại Beirut và liên hệ bằng điện thoại với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập: 00202 7617309 hoặc
E-mail: vinaembegg@yahoo.com.