Không nên tự ý mua thuốc điều trị Covid-19

Bộ Y tế và các chuyên gia đã khuyến cáo, việc tự ý dùng thuốc điều trị sốt rét Hydroxychloroquine và Chloroquine có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Thuận Kiều, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Thuận Kiều, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phớt lờ bỏ qua cảnh báo, đi săn lùng những loại thuốc này với hy vọng có thể điều trị và phòng nhiễm virus gây bệnh Covid-19. Trước đó, một số loại thuốc kháng virus HIV cũng được nhiều người tìm mua với niềm tin là điều trị được virus SARS-CoV-2. 

“Truy lùng” thuốc điều trị Covid-19

Lo sợ dịch bệnh bùng phát và để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, ngoài việc quán triệt với cả nhà tuân thủ biện pháp phòng dịch như rửa tay thường xuyên, súc miệng bằng nước muối, đeo khẩu trang khi ra ngoài…, chị Nguyễn Thị Hồng Minh (43 tuổi, ngụ quận 5) nghe bạn bè nói các loại thuốc điều trị sốt rét có thể phòng chống được Covid-19.

Chị cùng chồng đi tìm bằng được các loại thuốc này tại cửa hàng thuốc. “Hàng trăm ngàn người Việt Nam đã phải cách ly, số ca mắc cũng tăng mỗi ngày khiến mình bất an, giờ nghe được ở đâu có thuốc điều trị hoặc dự phòng là mình mua thôi, nhỡ đâu đến lúc mình bị bệnh nhưng các bệnh viện vỡ trận thì còn có mà dùng”, chị Hồng Minh chia sẻ. Cũng như chị Hồng Minh, cách đây ít lâu, anh Trần Tấn Hòa (ngụ quận 7) cũng đi lòng vòng mấy hiệu thuốc để tìm mua các loại thuốc kháng virus HIV, do có tin đồn thuốc này có thể điều trị được Covid-19. “Thời buổi dịch bệnh hoành hành, không thể biết được ngày mai ra sao, nên giờ nghe ai nói cái gì có thể giúp hết bệnh là mình cứ phải thủ sẵn phòng thân thôi”, anh Hòa biện bạch. 

“Người dân hãy yên tâm, khi chắc chắn về tác dụng của thuốc đặc hiệu, chúng tôi sẽ là người đầu tiên dùng nó để điều trị cho người bệnh. Không nên tự ý sử dụng có thể gây ra tiền mất tật mang”, bác sĩ Lê Quốc Hùng khẳng định.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM, Chloroquine (hay còn có tên gọi khác là ký ninh) là loại thuốc điều trị bệnh sốt rét và đây là thuốc chỉ được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ. Vì thế, bác sĩ Khanh phản đối việc người dân đổ xô đi mua ký ninh dự trữ để điều trị Covid-19. “Thuốc này có hiệu quả điều trị và nguy cơ ngộ độc rất gần nhau, chỉ cần dùng quá liều một chút đã nguy hiểm. Người dân tự ý uống với hy vọng phòng Covid-19 chẳng những không có kết quả mà còn có thể hại gan, thận, gây ngộ độc, thậm chí ngừng tim và tử vong. Trẻ con chỉ cần uống 2 viên 500mg là loạn nhịp tim và ngừng tim”, bác sĩ Khanh cảnh báo. 

Mới đây nhất, một bệnh nhân nam (44 tuổi, ngụ Hà Nội) sau khi nghe thông tin Mỹ và Trung Quốc dùng Chloroquine để chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 và thuốc này có thể uống dự phòng, đã mua 100 viên về tích trữ dùng dần. Tuy nhiên, sau khi uống 15 viên đầu tiên, bệnh nhân bắt đầu nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp, tụt huyết áp và được đưa đi cấp cứu tại BV địa phương, sau đó chuyển lên BV Bạch Mai. May mắn do được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã qua khỏi và xuất viện.

Chưa được kiểm chứng

Nói về thuốc điều trị bệnh Covid-19, theo TS - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy TPHCM, từ sau các vụ dịch SARS (2003) và MERS Cov (2009), các hãng dược phẩm trên thế giới đua nhau tìm kiếm thuốc đặc trị virus Corona. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có loại thuốc hữu hiệu nào được tìm ra. Một loạt các loại thuốc như Remdesivir (thuốc điều trị Ebola, SARS), Lopinavir/Ritonavir và Darunavir (thuốc điều trị HIV), Favipiravir (thuốc điều trị cúm)… và cả Chloroquine/ Hydroxychloroquine được các nhà nghiên cứu chọn lựa để thử nghiệm điều trị virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đến nay tất cả mới chỉ dừng lại ở thí nghiệm. 

Riêng về Hydroxychloroquine, các nghiên cứu trên thế giới đã có một số kết luận ban đầu: Trong điều kiện thử trong ống nghiệm, Hydroxychloroquine có tác dụng ức chế sự phát triển của virus gấp 3 lần so với Chloroquine. Hydroxychloroquine có tác dụng kháng viêm khá tốt và làm giảm phóng thích các hoạt chất trung gian (cytokins), do vậy rất có thể có tác dụng tốt cho việc ngăn chặn tiến trình tổn thương phổi dẫn tới suy hô hấp (hay các cơ quan nội tạng) và ngăn chặn diễn tiến tới sốc ở những bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, liều điều trị thích hợp trên người cần được kiểm chứng thêm. “Mấy ngày nay, tôi nghe thông tin người dân lại đổ xô đi tìm mua thuốc Hydroxychloroquine gây ra tình trạng thuốc khan hiếm ảo, giá thuốc tăng vọt, chúng tôi rất ngạc nhiên bởi loại thuốc này vẫn chưa được chứng minh là hiệu quả với Covid-19. Hơn nữa, Việt Nam không thiếu loại thuốc này nên người dân cũng không cần phải tích trữ”, bác sĩ Hùng cho hay.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, đây chỉ là thuốc đang trong quá trình thử nghiệm. Mà thuốc đang trong quá trình thử nghiệm thì hiệu quả và độ an toàn đều chưa chắc chắn, do đó người dân không được tự ý sử dụng loại thuốc này mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục