Khu rừng hơn 600ha làm hồ thủy lợi Ka Pét có những loại cây gì?

Khu vực dự kiến làm hồ thủy lợi Ka Pét có 2 loài gỗ quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam là giáng hương và sơn điều. Bên cạnh đó, còn có các loài cây tốt, gồm: bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thẩu tấu, dầu đồng, cà chắc, thành ngạnh...

Liên quan đến việc tỉnh Bình Thuận dự kiến chuyển đổi hơn 600ha rừng để thực hiện dự án hồ thủy lợi Ka Pét, Tiến sĩ Đỗ Văn Thông, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ đã thông tin kết quả thực hiện kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trong vùng dự án.

Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp dự kiến thực hiện hồ thủy lợi Ka Pét (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Khu vực thực hiện dự án chỉ có 2 trạng thái rừng hỗn giao (gỗ+ tre nứa) và tre (nứa+gỗ)

Khu vực thực hiện dự án chỉ có 2 trạng thái rừng hỗn giao (gỗ+ tre nứa) và tre (nứa+gỗ)

Theo đó, đơn vị đã thực hiện điều tra thu thập các chỉ tiêu bình quân lâm phần thông qua việc thiết lập các ô đo đếm từ tỷ lệ rút mẫu điều tra bằng 1,57% tổng diện tích vùng dự án.

Qua kiểm tra, khu vực rừng thực hiện dự án là rừng hỗn giao, mật độ dưới 400 cây/ha.

Khu vực rừng dự kiến được chuyển đổi làm hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Khu vực rừng dự kiến được chuyển đổi làm hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Trữ lượng bình quân cao nhất ở trạng thái rừng giàu (310,5m3/ha), tiếp đến là rừng hỗn giao gỗ và tre nứa (165,7m3/ha), rừng trung bình (147,8m3/ha), rừng gỗ nghèo (78,8m3/ha), riêng rừng hỗn giao tre nứa và gỗ chỉ có 26,3m3/ha. Trung bình trữ lượng gỗ toàn khu vực điều tra là 145m3/ha.

Để có cơ sở tính toán, Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ đã thiết lập 96 ô tiêu chuẩn (1.000m2/ô) trong khu vực rừng chuyển đổi làm dự án để điều tra điển hình. Qua đó, đơn vị đã đo, ghi nhận được 4.262 cá thể cây gỗ, với 78 loài, thuộc 62 chi, 35 họ thực vật.

Trong đó, nhiều nhất là các loài: tre nứa, bằng lăng, căm xe, sổ, cóc rừng, thẩu tấu, dầu đồng, cà chắc, thành ngạnh... Ngoài ra, đơn vị điều tra cũng bắt gặp được 2 loài gỗ quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam là giáng hương và sơn điều. Trong đó, loài cây giáng hương có 26 cá thể (thuộc nhóm IIA).

Một số loài cây như: cẩm liên, căm xe, cà chắc, sến cát,... không thuộc nhóm các loài cây gỗ quý, hiếm trong Sách đỏ Việt Nam. Đây là loài thuộc nhóm gỗ tốt (nhóm gỗ I, II).

Một số cây bằng lăng thân lớn trong khu rừng hơn 600ha dự kiến làm hồ thủy lợi Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Một số cây bằng lăng thân lớn trong khu rừng hơn 600ha dự kiến làm hồ thủy lợi Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Kết quả điều tra cũng cho thấy, rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình tập trung nhiều ở nhóm gỗ III và V; ở rừng gỗ nghèo tập trung nhóm gỗ V, VI; ở rừng hỗn giao tre nứa và gỗ tập trung nhóm gỗ VIII...

"Kết quả điều tra hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp khu vực dự án phản ánh trung thực, khách quan và đảm bảo độ tin cậy cao. Kết quả này đã được đoàn kiểm tra chuyên ngành của tỉnh Bình Thuận phúc tra đạt yêu cầu; Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận thẩm định thống nhất", tiến sĩ Đỗ Văn Thông khẳng định.

Cũng liên quan đến các loài cây trong khu vực dự án hồ thủy lợi Ka Pét, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, trước đây, khu vực rừng dự kiến triển khai dự án hồ thủy lợi Ka Pét đã từng được cho phép khai thác chính (chọn lựa những loại cây gỗ lớn có giá trị). Tuy nhiên từ năm 2002, khi Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên thì khu rừng này tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó hiện tại, tại khu vực này những cây gỗ lớn, có giá trị còn rất ít.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 93/2019/QH14 ngày 26-11-2019 và Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24-6-2023. Quy mô hồ Ka Pét có dung tích trên 51 triệu m 3 , tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025.
Toàn cảnh khu vực vùng lõi dự kiến làm hồ thủy lợi Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Toàn cảnh khu vực vùng lõi dự kiến làm hồ thủy lợi Ka Pét. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Tổng diện tích đất dự án là 697,73ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72ha (đất có rừng 619,5ha, gồm: rừng đặc dụng 137,95ha; rừng phòng hộ 0,51ha; rừng sản xuất 440,4ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha và đất không có rừng 60,1ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01ha.

Dự án khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho hơn 7.760ha đất nông nghiệp - gấp 13 lần diện tích rừng bị mất, và nước sinh hoạt tới 120.000 dân huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Ngoài ra, dự án còn cấp nước cho các hồ ở hạ du, gián tiếp tưới nước cho hơn 6.200ha, cung cấp 2,63 triệu m 3 nước mỗi năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Dự án cũng phòng, chống lũ, lụt, cải tạo môi trường sinh thái cho một số vùng hạ du của tỉnh Bình Thuận.

Tin cùng chuyên mục