Có nên thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở cấp phường - xã? Cố định khung giá đất 5 năm hay điều chỉnh mỗi năm một lần như hiện nay? Làm sao quy hoạch đất đảm bảo an ninh lương thực, bồi thường giải phóng mặt bằng và đền bù sao cho sát giá thị trường?... Đó là các vấn đề được mổ xẻ tại Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003 do Bộ Tài nguyên - Môi trường và Hiệp hội Bất động sản tổ chức tại TPHCM ngày 5-5.
Quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo an ninh lương thực
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên cho biết, luật sửa đổi lần này đã xác định chỉ tiêu, diện tích khống chế đối với một số loại đất có ý nghĩa chiến lược. Hiện Bộ TN-MT đang làm việc với Bộ NN-PTNT để định hướng quy hoạch đất trồng lúa nhằm đảm bảo lương thực cho khoảng 130 - 150 triệu dân năm 2030 - 2050.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu, do đó diện tích đất trồng lúa phải được giữ bằng mọi giá và không thể “hy sinh” vì bất cứ mục đích gì. để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực thì cần phải vạch chỉ giới đỏ cho đất nông nghiệp và quy hoạch cụ thể cho từng tỉnh, TP thậm chí theo từng thửa, từng vùng, từng khu vực và cân đối giữa các khu vực một cách hợp lý. Không chỉ đất nông nghiệp mà một số loại đất hiện nay cần phải “chốt” chỉ giới đỏ đó là: đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất an ninh, đất quốc phòng.
Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) tại các địa phương, đa số các địa phương đều cho rằng không nên lập QHSDĐ cấp phường - xã. Đại diện tỉnh An Giang cho rằng chỉ nên làm QHSDĐ cấp tỉnh và cấp huyện rồi định hướng cho xã thực hiện. Theo đại biểu này, việc thực hiện QHSDĐ cấp xã là rất lãng phí và không khả thi vì năng lực cán bộ của xã còn nhiều hạn chế, cho dù có làm quy hoạch cũng chỉ nằm trên giấy thôi vì kinh phí của cấp xã có hạn nên rất khó thực hiện.
Tại hội nghị, vấn đề được đưa ra bàn thảo sôi nổi nhất vẫn là giá đất. Nhiều đại biểu đồng ý nên ban hành khung giá ổn định trong thời hạn 5 năm. Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP cho rằng, ổn định khung giá đất 5 năm là hợp lý vì mỗi năm ban hành giá đất (năm sau tăng hơn năm trước) sẽ gây tâm lý giá đất tăng hàng năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc băn khoăn liệu ban hành khung giá đất ổn định trong 5 năm có hợp lý không trong khi giá đất thị trường lại biến động liên tục?
Về giá đất, nhiều ý kiến cho rằng luật cần phải xác định rõ như thế nào là giá thị trường. Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Thế Ngọc, có 2 nguyên nhân chính gây ra khiếu nại về đất làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án đó là quyền sử dụng đất thay đổi và giá bồi thường thấp hơn so với thực tế. Do đó, bộ sẽ nghiên cứu thật kỹ để sửa đổi về giá đất nhằm hạn chế tối đa việc khiếu nại của người dân.
Luật sửa liên tục làm khó người thực hiện
Ông Nguyễn Văn Vững, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bức xúc: từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực đến nay đã sửa đổi và ban hành rất nhiều nghị định. Do đó ông Vững đề xuất lần này, nên chăng nghiên cứu thật kỹ để… làm lại từ đầu, chứ sửa đổi điều này, khoản kia liên tục như vậy sẽ làm khổ cho cán bộ địa phương khi thực hiện.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng thông cảm với các địa phương, tuy nhiên ông cho rằng, dự kiến đến năm 2011 - 2012 sẽ có Bộ luật Đất đai do đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003 lần này chỉ sửa đổi những vấn đề bức xúc nhất. Luật sửa đổi lần này sẽ cố gắng không sửa nhiều để tránh gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện đồng thời sửa đổi một cách căn cơ để khi đưa luật vào cuộc sống sẽ không bị “vấp”.
Hạnh Nhung