Khủng hoảng di cư là vấn đề toàn cầu

Miễn cưỡng tiếp nhận
Khủng hoảng di cư là vấn đề toàn cầu

Ngày 20-10, Croatia đã mở lại cửa khẩu với Serbia và cho phép khoảng 3.000 người di cư vào lãnh thổ nước này sau khi họ mắc kẹt nhiều giờ dưới trời lạnh tại khu vực biên giới Berkasovo. Trái với Croatia, Chính phủ Cộng hòa Czech và Slovenia đã quyết định triển khai cảnh sát và quân đội để tăng cường bảo vệ vành đai biên giới nhằm kiểm soát dòng người di cư.

Người tị nạn trú trong lều tạm ở biên giới Serbia - Croatia

Miễn cưỡng tiếp nhận

Hiện chưa rõ vì sao nhà chức trách Croatia đưa ra quyết định đột ngột nói trên, bởi nó trái ngược hoàn toàn với động thái trước đó. Theo ước tính của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), có hơn 10.000 người mắc kẹt tại Serbia khi quốc gia láng giềng Croatia trước ngày 19-10 cho phép chỉ 50 người được đi qua biên giới Berkasovo cứ mỗi nửa giờ. Việc có khoảng 3.000 người phải đứng dưới trời mưa khiến các tình nguyện viên lo ngại nguồn hỗ trợ nhân đạo và thực phẩm sẽ trở nên vô cùng khan hiếm.

Cùng ngày 20-10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Litva Elvinas Jankevicius thông báo ưu tiên hàng đầu trong việc tiếp nhận người tị nạn của nước này sẽ được dành cho các gia đình đến từ nhiều vùng khác nhau của Syria có sử dụng một trong số các ngôn ngữ chính thức của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc của các nước có đường biên giới chung với Litva. Litva từng chấp thuận tiếp nhận đoàn người tị nạn đầu tiên tới nước này vào tháng 11 tới, song tiến trình này hiện đang bị tạm hoãn do cho rằng Italia và Hy Lạp nên lập danh sách những người đủ điều kiện tái định cư theo tiêu chí nói trên của Litva. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính từ đầu năm 2015 tới nay, hơn 613.000 người di cư và tị nạn đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, trong đó hơn 3.100 người đã thiệt mạng trong hành trình đầy nguy hiểm này.

Kiên quyết ngăn chặn

Còn Chính phủ Slovenia quyết định sẽ huy động quân đội để hỗ trợ lực lượng cảnh sát kiểm soát dòng người di cư từ nước láng giềng Croatia đang tăng mạnh trong vài ngày qua. Chính phủ Cộng hòa Czech cũng phê chuẩn việc triển khai 50 cảnh sát tới Hungary vào cuối tháng 10 và thực hiện sứ mệnh bảo vệ biên giới Schengen giữa Hungary và Serbia - nơi đang chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay - cho tới giữa tháng 12 năm nay.

Trong bối cảnh biên giới vào Hungary từ Croatia, Hy Lạp, Macedonia và Serbia bị đóng cửa, dòng người di cư lội ngược về Slovenia để tìm cách sang Áo, Đức và gây ảnh hưởng tới an ninh và trật tự xã hội tại các nước này. Trong khi Chính phủ Áo thông báo sẽ tăng cường các hoạt động kiểm soát biên giới từ nay đến ngày 4-11, thì tại Đức, đêm 19 rạng sáng 20-10 đã xảy ra ít nhất 4 vụ hỏa hoạn tại các địa phương ở Đức làm ít nhất 4 người thiệt mạng, 16 người khác bị thương. Các vụ hỏa hoạn này đều xảy ra với những ngôi nhà có người nước ngoài hoặc người tị nạn sinh sống.

Trước đó, tối 19-10 (giờ địa phương), gần 20.000 người từ khắp nơi đổ về đã tuần hành tại các đường phố ở Dresden, bang Sachsen để phản đối nạn kỳ thị người nước ngoài, kỳ thị chủng tộc cũng như lên án phong trào “Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây” (PEGIDA). Cuộc tuần hành được tổ chức nhằm phản đối một cuộc mít tinh của PEGIDA cũng diễn ra đồng thời tại Dresden với sự tham gia của khoảng 15.000 - 20.000 người. Cuộc tuần hành của hai phe lên án và ủng hộ PEGIDA đã có lúc dẫn tới xô xát khiến cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để đối phó.

Trước tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” của dòng người di cư và thái độ trái ngược nhau của các nước trong cùng EU, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 19-10 tuyên bố cuộc khủng khoảng người tị nạn hiện nay không chỉ của riêng châu Âu mà là một vấn đề toàn cầu. Ông hy vọng các nhà lãnh đạo chính trị sẽ tìm ra những giải pháp toàn diện hơn cho vấn đề trên tại hội nghị cấp cao châu Âu - châu Phi dự kiến diễn ra ở La Valletta của Malta trong tháng 11 tới.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục