Khuyến cáo phòng chống dịch Rubella, hạch, tiêm vaccine sởi

Trước diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo đến cộng đồng cách phòng ngừa. Tại hội thảo truyền thông tổ chức tại TPHCM, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, người dân phải cảnh giác trước những dịch bệnh Rubella, hạch, sởi…

Trước diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo đến cộng đồng cách phòng ngừa. Tại hội thảo truyền thông tổ chức tại TPHCM, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, người dân phải cảnh giác trước những dịch bệnh Rubella, hạch, sởi…

* Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Bệnh có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn. Những người chưa miễn dịch với Rubella đều có nguy cơ mắc bệnh, nhóm người có nguy cơ cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên. Biểu hiện ban đầu của bệnh là mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ, viêm mũi xuất tiết nhẹ và viêm màng kết mạc mắt, sau đó nổi hạch và phát ban ở mặt sau lan toàn thân gần giống ban sởi. Bệnh rất nguy hiểm đối với bà mẹ có thai do nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu khi mang thai, có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… Để phòng bệnh Rubella, người dân cần: Tiêm vaccine Rubella đơn giá hoặc phối hợp vaccine Sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch cho trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi; phụ nữ nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất 3 tháng, khi đã mang thai thì không nên tiêm. Không đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc bệnh Rubella. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng…

* Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Tuy nhiên để phòng bệnh dịch hạch, người dân cần đảm bảo thực phẩm ăn, uống phải được che, đậy an toàn..., tránh để chuột tiếp xúc; thường xuyên vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho hàng hợp lý tránh chuột chui rúc và làm tổ; thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá hủy nơi sinh sản của chuột; khi thấy nhiều chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất; không diệt chuột khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người; khi có các biểu hiện nghi dịch hạch (sốt, nổi hạch…) phải đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời; ở những địa phương có dịch hạch lưu hành và những vùng có nguy cơ phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để chủ động phòng chống bệnh dịch; phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, để phòng tránh dịch Sởi-Rubella khi tổ chức tiêm cần: Tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm trước. Bố trí phòng chờ riêng biệt, không để trẻ ngồi chờ quá lâu và thấy các bạn khác tiêm gây tâm lý căng thẳng. Bố trí các thầy cô giáo, cán bộ y tế hoặc cán bộ đoàn thanh niên động viên, giải thích để trẻ yên tâm, bớt lo lắng trước khi tiêm chủng. Các bà mẹ cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng có đủ nước đường cho trẻ uống. Thực hiện công tác tư vấn, theo dõi sau tiêm chủng đầy đủ. Khi trẻ có biểu hiện hiện tượng trên, cần cách ly trẻ riêng biệt ngay và chăm sóc y tế, tránh phản ứng dây chuyền.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục