Kiểm định để giáo dục đại học đạt chất lượng - Bài 2: Xây dựng văn hóa chất lượng

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng trở nên bức thiết đối với yêu cầu đổi mới căn bản về giáo dục, đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục đại học (ĐH). Do đó, công tác kiểm định chất lượng phải làm một cách căn cơ, không thể chạy đua gắn nhãn chất lượng.

Giải quyết những bất cập trong kiểm định

Là một trong những người đầu tiên tham gia công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ: Sứ mạng quan trọng của các trường ĐH Việt Nam trước tiên là phải bảo đảm chất lượng đào tạo một nguồn lực có khả năng thích nghi, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong nước; kế đến là cạnh tranh với khu vực và toàn cầu. Do đó, nếu các cơ sở giáo dục ĐH không đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu thì đừng nghĩ đến chuyện khác.

Cả nước hiện có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, từ năm 2016 đến nay đã kiểm định khoảng 55% cơ sở đào tạo là một nỗ lực rất lớn. Song công tác kiểm định chất lượng hiện nay có nhiều vấn đề bất cập, từ con người đến cách thực hiện, mà chúng ta phải giải quyết ngay.

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa đánh giá: “Nhân lực (kiểm định viên) tham gia kiểm định, đánh giá chất lượng các trường phải nói là rất yếu và thiếu chuyên nghiệp. Bộ GD-ĐT thường xuyên tập huấn và thông báo con số khoảng 1.000 kiểm định viên. Tuy nhiên, theo tôi, số người thật sự có kinh nghiệm trong công tác kiểm định lại rất ít. Còn số người có thâm niên được đào tạo bài bản, cho đi học, tập huấn quốc tế về kiểm định và diện kiểm định viên đặc cách chắc không quá con số 10.

Bên cạnh đó, một vấn đề nhức nhối nữa là có hiện tượng “chạy” để đạt kiểm định chất lượng. Tôi đã thẳng thừng từ chối và đánh rớt 5 trường (trong đó có những trường có mối quan hệ gây áp lực). Sau đó, họ mời các trung tâm kiểm định khác và kết quả lại được công nhận. Bản thân tôi và các kiểm định viên cũng đã nhiều lần thẳng thừng từ chối, gửi lại các khoản thù lao đến vài chục triệu đồng do các cơ sở mời kiểm định gởi, gọi là “quà tặng”.

Cũng có những đơn vị nói thẳng rằng “bao” hết các khoản từ tiền máy bay, khách sạn, ăn ở… để mời trung tâm tôi đến kiểm định nhưng… cũng phải từ chối. Hiện nay, nhiều trung tâm kiểm định quá dễ dãi lại là mục tiêu để các trường có được quyết định công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng”.

Nói về thực chất của công tác kiểm định, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa chia sẻ: Trước tiên là cơ sở đào tạo gửi toàn bộ báo cáo đến trung tâm để thẩm định. Sau đó trung tâm gửi góp ý đề nghị chỉnh sửa, cử người đi khảo sát rồi mới tiến hành ký hợp đồng. Kế đến, trung tâm tiến hành công tác kiểm định, thu thập thông tin, viết báo cáo cho giám đốc trung tâm xem và họp bàn. Kết quả sẽ được gửi đến trường để xem lại và cho thêm ý kiến... Thường thì mất khoảng 6 tháng mới cho kết quả đánh giá.

“Từ ngày tôi làm, thường thì hợp đồng ký với các trường từ 200 triệu đồng - 500 triệu đồng, tùy theo quy mô sinh viên, số lượng các cơ sở phải đi khảo sát, mức độ công việc… Trong khi đó kiểm định chương trình tối đa là 100 triệu đồng. Và tất cả tiền trong hợp đồng đều chi cho các kiểm định viên, theo từng vị trí và công việc. Mỗi người được 18 - 25 triệu đồng cho 6 tháng. Mức thu nhập này rõ ràng không cao cho kiểm định viên, trong khi trung tâm phải tự chủ hoàn toàn, ngay cả thuê cả địa điểm để đặt trung tâm”, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết.

Kiểm định để giáo dục đại học đạt chất lượng - Bài 2: Xây dựng văn hóa chất lượng ảnh 1 Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành
Những yếu kém từ các trường

Theo kết quả đánh giá từ các trường, đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, có rất nhiều vấn đề mà các cơ sở đào tạo cũng như Bộ GD-ĐT phải nhìn nhận, xem xét lại.

Có 3 vấn đề yếu nhất mà các cơ sở đào tạo (đạt chuẩn kiểm định) phải khắc phục. Trước hết là vấn đề đào tạo: tiêu chuẩn đào tạo bị đánh giá rớt nhiều nhất vì phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá đều không chuẩn hóa và theo kịp chuẩn của khu vực và quốc tế. Nhiều trường quy mô sinh viên rất lớn, đội ngũ giảng viên thấp, chuẩn đầu ra hoàn toàn không phù hợp, thậm chí bị lệch.

Kế đến là tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học là tiêu chí mà các trường cũng bị đánh rớt nhiều. Các trường được đánh giá có kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ khá thấp. Đây là thực trạng chung của toàn hệ thống vì có nhiều vấn đề bất cập như suất đầu tư cho nghiên cứu quá thấp, kết quả công bố quốc tế thấp, doanh thu từ chuyển giao công nghệ cũng tương tự.

Thứ 3 là sứ mạng phục vụ cộng đồng, các cơ sở đào tạo của Việt Nam rất yếu về tiêu chí này.

Trong khi đó, thống kê từ 4 trung tâm kiểm định do GS-TS Nguyễn Quang Dong (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và PGS-TS Nguyễn Phương Nga (Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH và cao đẳng Việt Nam) thực hiện cho thấy: Kết quả kiểm định của 117 cơ sở giáo dục ĐH chỉ ra trong tổng số 61 tiêu chí, có 9 tiêu chí 100% các cơ sở đều đạt.

Với các tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất một cơ sở chưa đạt. Trong đó, tiêu chí 7 (nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ) có tỷ lệ cơ sở chưa đạt cao nhất (77,8%). Những tiêu chí có trên 53% các cơ sở chưa đạt gồm: thư viện của trường ĐH có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài, phục vụ dạy, học tập và nghiên cứu khoa học có hiệu quả: 66,7 % chưa đạt.

Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá: 65% chưa đạt. Có đủ diện tích sử dụng đất theo quy định, diện tích mặt bằng tổng thể đạt mức tối thiểu theo quy định: 53,8% chưa đạt. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục nhằm giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên: 53,8% chưa đạt.

Phải thực hiện đồng bộ

Với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia công tác kiểm định, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa mạnh mẽ kiến nghị: Trước hết cơ quản chủ quản ngành giáo dục (Bộ GD-ĐT) phải quyết tâm và có những cơ chế rõ ràng trong việc kiểm định. Những trường, ngành đạt chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế sẽ có được những lợi thế gì, những trường không đạt chuẩn kiểm định trong nước sẽ bị xử lý như thế nào? Các bộ ngành chủ quản các trường phải quyết liệt đầu tư để các trường cải thiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Công tác đầu tư, nâng cao chuyên môn cho những kiểm định viên phải thật sự quan tâm.

Thực tế nghề kiểm định rất khó. Kiểm định viên không những rành về công tác kiểm định mà phải luôn cập nhật các kiến thức mới, xu thế giáo dục mới, các kỹ năng mềm… để đảm bảo công tác kiểm soát chất lượng cho các trường. Ngoài ra, bản thân các cơ sở đào tạo cũng phải xác định xây dựng văn hóa chất lượng là phải làm thật và có những chính sách đúng đắn để xây dựng và đảm bảo chất lượng, đầu tư thỏa đáng.

Nói về các trung tâm kiểm định, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa băn khoăn: “Thực tế lực lượng kiểm định viên hiện nay rất yếu. Công tác kiểm định trong nước chưa được dư luận tin tưởng. Nếu các trung tâm kiểm định, kiểm định viên được giao nhiệm vụ canh giữ chất lượng cho cả hệ thống giáo dục mà lại dễ dãi, thả lỏng chất lượng thì làm sao hệ thống có chất lượng thật sự”.

GS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: Các tiêu chí kiểm định mới của Việt Nam hiện đã từng bước tiệm cận và tương đồng với bộ tiêu chí thẩm định của khu vực, cả châu Á và toàn cầu. Có như thế, khi tiến hành kiểm định độc lập chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế thì không phải kiểm định lại từ đầu, thuận tiện cho chính cơ sở đào tạo, cho các trường.

Đối với trong nước, công tác kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giúp cơ quan quản lý xác định những mô hình đào tạo, những địa chỉ đào tạo đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế đất nước. Từ đó Nhà nước sẽ có các chính sách đầu tư, hỗ trợ đúng địa chỉ, phát huy đúng nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Vì vậy, quyết định của cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đạt hay không đạt cũng mang ý nghĩa là quyết định sinh mệnh, sự tồn tại của một cơ sở đào tạo. Với trọng trách đó, kiểm định viên, chuyên gia kiểm định phải là người từng trải trong hoạt động đào tạo, giàu kinh nghiệm, tâm huyết để có quyết định đánh giá cuối cùng với sự am tường - cẩn trọng - công tâm để luôn hết sức khách quan.

"Hiện nay rất nhiều trường tại TPHCM đặt mục tiêu đạt chuẩn kiểm định khu vực và các chuẩn kiểm định uy tín của quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng vì để đạt được các chuẩn kiểm định quốc tế ấy thì phải có sự đầu tư rất lớn từ còn người, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và cả tiền của. Ngoài việc đầu tư như vậy thì kinh phí để trả cho công tác kiểm định quốc tế phải tính bằng tiền tỷ. Nhưng bù lại uy tín của trường và người học lại được rất nhiều (tính liên thông, quốc tế công nhận) khi theo học những cơ sở đào tạo, các chương trình đạt chuẩn quốc tế".

 PGS-TS NGUYỄN HỘI NGHĨA

Tin cùng chuyên mục