Kiểm soát chặt chẽ từ biên giới tới khu cách ly

Chiều 4-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quy trách nhiệm, chấn chỉnh những nơi lơ là

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, đợt dịch lần này vừa có từ bên trong vừa bị áp lực từ biên giới Tây Nam rất lớn, cộng với biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn. Vì thế, chúng ta phải quyết tâm hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới yêu cầu phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng.

Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót, kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến.

Kiểm soát chặt chẽ từ biên giới tới khu cách ly ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, qua phân tích một số trường hợp phát bệnh, sau khi hoàn thành cách ly tập trung và lây nhiễm cho cộng đồng, cho thấy, một số cơ sở cách ly tập trung chưa thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt trong xử trí khi phát hiện trường hợp cách ly mắc Covid-19.

Công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, sau đó theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở nhiều nơi rất lỏng lẻo. Điển hình là ca bệnh 2.899 tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam sau khi về theo dõi, giám sát y tế tại nhà đã gặp gỡ, tiếp xúc, tổ chức ăn uống với rất nhiều người.

“Đây là nguyên nhân dẫn đến đợt dịch hiện nay. Việc này Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo một cách rất nghiêm khắc, cá nhân hóa trách nhiệm, trách nhiệm đến đâu xử lý nghiêm đến đấy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Đồng thời, lưu ý các quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, bây giờ phải thực hiện một cách nghiêm túc.

“Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và đề nghị tăng cường giám sát cộng đồng đối với công tác phòng chống dịch. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Bộ KH-CN huy động sự giám sát của cộng đồng, qua thông tin báo chí, sự giám sát của nhân dân để cung cấp thông tin cho ban chỉ đạo, cho Thủ tướng Chính phủ nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt.

“Khi chưa có dịch thì tuyệt đối không được lơ là, bây giờ có dịch phải rất bình tĩnh, chúng ta thực hiện thật nghiêm để khoanh dịch, dập dịch sớm nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và kêu gọi lực lượng công an, bộ đội biên phòng, chính quyền, đoàn thể các tỉnh biên giới tiếp tục tăng cường kêu gọi nhân dân tiếp tục cùng với chính quyền quản lý thật tốt, không để nhập cảnh trái phép xảy ra, gây họa cho cộng đồng. 

Người hết 14 ngày cách ly tập trung vẫn phải ở lại

Ngày 4-5, Bộ Y tế đã thông báo khẩn tới các địa phương về việc từ 0 giờ ngày 4-5, tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung đối với tất cả trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính) và chờ thông báo mới của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sở dĩ có yêu cầu này là do gần đây, Việt Nam ghi nhận một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SASR-CoV-2 sau đó.

Cụ thể, từ ngày 27-4 tới nay, kể từ khi dịch Covid-19 tái phát trở lại ở trong nước, đã có ít nhất 3 trường hợp sau khi hết cách ly tập trung, có kết quả xét nghiệm 2-3 lần âm tính nhưng khi rời khu cách ly tập trung về nơi cư trú lại có kết quả dương tính, gây ra một số chùm ca bệnh ở Hà Nam và Vĩnh Phúc. 

Trao đổi về vấn đề trên, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, cơ quan y tế vẫn đang điều tra, phân tích làm rõ các trường hợp này. Tuy nhiên, có một số giả thiết cần phải lưu ý.

Thứ nhất, bệnh nhân bị lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó hết cách ly về nhà mới phát bệnh.

Thứ hai, bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 vẫn không phát hiện ra dương tính.

Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh Covid-19 ủ bệnh trên 14 ngày, nhưng rất ít. Do đó, nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 sau đó tiếp tục về nhà giám sát chặt chẽ, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày.

Một lý do nữa có thể xảy ra là sau khi hết cách ly tập trung, trên đường về nơi cư trú, trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác, bệnh nhân đó đã lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được nguồn lây.

“Nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết; khai báo y tế đầy đủ thì sẽ không có những chùm lây nhiễm như vừa rồi”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh. 

Cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, xác định nguồn gốc.

Tại Vĩnh Phúc, viện lấy 3 mẫu của 3 bệnh nhân mắc Covid-19 - là những nhân viên quán bar karaoke Sunny (ở TP Phúc Yên) - và cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể ở Ấn Độ.

Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 bệnh nhân mắc Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể ở Anh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, biến chủng virus từ Ấn Độ là biến chủng kép, mang tên B.1.617.2 do đột biến ngay trên chủng B.1.1.7 từ Anh. Đây là biến chủng có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Đến nay, ít nhất 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có biến chủng B.1.617.2.

Sở Y tế Hà Nam đã quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Ngụy Cao Phi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân để báo cáo, giải trình về quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân được yêu cầu tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lương Thanh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý vì chưa xử lý và giải quyết kịp thời trường hợp bệnh nhân thứ 2.899 (ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý) dẫn tới làm lây lan dịch nhiều người.

Ngày 4-5, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” đối với ông Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái do đã có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 (việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài tại TP Yên Bái). Trước đó, 5 chuyên gia Trung Quốc của Công ty Trung Bắc Á sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại TP Yên Bái đã di chuyển nhiều nơi. Những người này sau đó được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.

                                                                           QUỐC KHÁNH - BẢO VÂN

Tin cùng chuyên mục