Theo đó, nhiều cử tri, người dân ở huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) phản ánh, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Định, Trường ĐH Công nghệ và quản lý hữu nghị (ĐH CN-QLHN) - Hà Nội đã liên kết với Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật (TC KTKT) - Bình Định (trụ sở tại thị xã An Nhơn, Bình Định), thuộc quản lý của Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức chiêu sinh, đào tạo lớp Quản lý nhà nước hệ chính quy. Theo thông báo của trường, thời gian học chỉ học trong 3 kỳ; mỗi kỳ 4 tháng; mỗi tháng học 4 tuần; mỗi tuần chỉ học ngày thứ bảy và chủ nhật. Như vậy, trường chỉ đào tạo trong vòng 96 ngày là có thể lấy bằng. Người dân huyện Tuy Phước đề nghị các sở, ngành liên quan làm rõ câu hỏi: Liệu học xong chương trình với 96 ngày, học viên có thể nhận bằng chính quy hay không?
Ngày 21-7, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cho biết: “Các trường chưa thông qua ý kiến của UBND tỉnh; chưa được tỉnh cho phép đã tự ý chiêu sinh như thế là sai hoàn toàn về mặt nguyên tắc”.
Liên quan đến vụ việc trên, trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã có chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành; đặc biệt, Sở NN-PTNT phải kiểm tra, làm rõ và sớm có thông tin cho báo chí, dư luận biết.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, lý giải: đây là hệ đào tạo vừa học vừa làm, cấp văn bằng 2, cấp chứng chỉ theo đúng thẩm định của Bộ GD-ĐT. Trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương. Ông Phan Trọng Hổ khẳng định, đây không phải là chương trình đào tạo chính quy. Tuy nhiên, ông cho biết, sẽ kiểm tra lại theo phản ánh của cử tri, người dân, đến ngày 23-7 mới thông tin cho báo chí được.
Theo thông báo chiêu sinh, Trường ĐH CN-QLHN Hà Nội đào tạo văn bằng 2 ngành Quản lý nhà nước, loại hình đào tạo hệ chính quy, học tại Trường TC KTKT Bình Định; đối tượng là những người đã tốt nghiệp ĐH. Trong thông báo trúng tuyển, trường này yêu cầu nộp học phí toàn khóa là 31 triệu đồng; chia làm 3 đợt.