Kiến nghị có luật riêng về hoạt động giám sát của nhân dân

Ngày 1-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Sau hơn 10 năm thực hiện, quá trình triển khai Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra. 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).

Góp ý tại hội nghị, các ý kiến đề nghị cần quy định rõ trong luật vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong nội bộ các cơ quan thực hiện quyền hành pháp; nhấn mạnh vai trò của thanh tra nhân dân trong dự thảo luật sửa đổi. Trong dự thảo, cần bổ sung các nguyên tắc và có quy định nhằm phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động thanh tra. Dự thảo luật lần này cũng cần phải thu gọn đầu mối tổ chức cơ quan thanh tra để khắc phục sự dàn trải, thiếu tập trung và tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. Đặc biệt, các ý kiến kiến nghị Quốc hội ban hành đạo luật riêng về hoạt động giám sát của nhân dân.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, hiện nay Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có chương trình, kế hoạch trình Quốc hội xây dựng Luật Giám sát của nhân dân. 

Tin cùng chuyên mục