(SGGPO).- Tại cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 10-7 nhằm lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến ủng hộ định hướng đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhưng nhấn mạnh yêu cầu hậu kiểm đối với doanh nghiệp, ít nhất trong những lĩnh vực chung thuộc phạm vi của Luật này (để đảm bảo rằng doanh nghiệp đã đăng ký thực sự tồn tại, có hoạt động, chứ không phải đăng ký thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn…).
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chủ trương bỏ việc ghi mã ngành nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp là đúng đắn. Đại biểu cho rằng, mục tiêu quản lý nhà nước không đạt được trong quy định này, do những bất cập thực tế từ cả phía doanh nghiệp (đăng ký khống nhiều ngành nghề) và cơ quan nhà nước (áp mã ngành nghề chưa phù hợp và chưa bao quát được trên thực tế).
Việc ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên đi theo hướng, trong mục ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không ghi ngành nghề kinh doanh và cần ghi tuyên bố in sẵn (với mục tiêu cảnh báo cả cho doanh nghiệp và bên thứ ba).
Nội dung tuyên bố cụ thể như sau: “Doanh nghiệp có quyền kinh doanh trong tất cả các ngành nghề trừ các ngành nghề mà pháp luật cấm theo Phụ lục 1 kèm theo và được cập nhật trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê trong Danh mục tại Phụ lục 2 kèm theo và được cập nhật trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp chỉ được tiến hành hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này không có ý nghĩa thay thế các điều kiện và/hoặc giấy phép kinh doanh cụ thể trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện”.
Ông Tuấn khuyến nghị, cần có 2 phụ lục kèm theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là: Danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh tại thời điểm doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh; Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại thời điểm doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh, có kèm theo dẫn chiếu tới văn bản pháp luật quy định về các điều kiện đó. Phụ lục 2 bao gồm cả các ngành nghề mà đối với nhà đầu tư nước ngoài là có điều kiện. Quy định như vậy sẽ cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp 2013 về việc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
ANH PHƯƠNG