Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực

Ngày 25-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Sau khi nghe báo cáo của Tỉnh ủy Lạng Sơn và các ý kiến phát biểu; kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã đạt được.

Về phương hướng thời gian tới, Tổng Bí thư lưu ý, Đảng bộ Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình và bối cảnh chung, những thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi, biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển; từ đó đề ra mục tiêu, xác định nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với Lạng Sơn, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước; đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Lạng Sơn là vùng đất vừa thơ mộng vừa trữ tình, có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú với những nét đặc trưng riêng hiếm có. Vì vậy, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Tất cả những thế mạnh, tiềm năng đó cần được khai thác, phát huy với tinh thần lấy người dân làm trung tâm để từ đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Lạng Sơn phải tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới. Tỉnh cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, với đồng bào dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; để đời sống của các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Lạng Sơn với trọng trách là “phên giậu quốc gia” về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là “phên giậu về kinh tế”, bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế của đất nước. Lạng Sơn phải đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Tỉnh cần thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển; chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, của vùng trung du, miền núi Bắc bộ và cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Lạng Sơn cần chăm lo đầy đủ, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nhất là phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, từ đó lan tỏa, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tin cùng chuyên mục