(SGGPO).- Khoảng 5 giờ 15 sáng 9-2, ngọn lửa xuất phát từ một quầy bán giày dép trong khu vực phía Đông chợ Quảng Ngãi. 15 phút sau, ngọn lửa lan ra các ki-ốt tầng 1, lên tầng trên rồi bùng cháy. Đến 6 giờ, lửa vẫn ngùn ngụt. Những nỗ lực của lực lượng cứu hỏa gần như mất tác dụng khi vùng cháy lan rộng, dữ dội.
Tỷ phú trắng tay
Chủ hàng bán mỹ phẩm và đồ gia dụng hiệu Ngọc Cẩm ở chợ Quảng Ngãi cả ngày qua như ngồi trên đống lửa. Hàng hóa nhập 300 triệu đồng từ đầu mối TPHCM về 2 ngày qua cộng với hàng hóa còn lại ngót nghét 500 triệu đồng đã làm mồi cho lửa. “Tui có mặt ở đây khoảng 6 giờ kém 15 phút, chỉ kịp vào lấy được sổ sách giấy tờ rồi chạy ra. Còn hàng hóa thì cứ nhìn lửa ăn dần mà chẳng biết làm sao, chậm một tí mất mạng như chơi”.
Theo chủ cửa hàng Ngọc Cẩm, ông là người may mắn còn lấy được sổ ghi nợ, còn hàng trăm tiểu thương khác vì chủ quan nên không những hàng hóa mà cả sổ sách và tiền cũng bị cháy hết. “Thấy lửa cháy tiền mà bất lực, chỉ biết khóc. 5 giờ sáng tui đã có mặt tại chợ nhưng trừ phía Bắc chợ, còn lại các hướng khác lửa đã ngùn ngụt cao hàng chục mét rồi. Không thể mang được cái gì ra ngoài” - chủ hiệu vải và quần áo Thanh Thúy lắc đầu ngao ngán.
Tiếp xúc với nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ Quảng Ngãi, hầu hết đều nhập hàng từ sau ngày mùng 10 tháng giêng (Âm lịch). Thông thường, tiểu thương của chợ mua hàng từ đầu mối TPHCM về, sau đó bán lại cho các chợ khác trong TP Quảng Ngãi và các huyện trong tỉnh. Những ai ít thì thiệt hại hàng chục đến vài trăm triệu đồng, còn nhiều thì 500 triệu đồng đến trên dưới 1 tỷ đồng.
Điển hình như hộ Phạm Thị Thân, chủ quầy bán hàng ki-ốt 86, 87 và một kho hàng tại chợ, có tổng tài sản giá trị trên 1 tỷ đồng. Ông Huỳnh Thanh Hùng – chồng bà Thân cho hay: Ngoài hàng thì hộ ông còn có khoảng 50 triệu đồng để lại quầy hàng cũng bị cháy theo.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hải Vân liên tục nhận điện thoại từ các nơi gọi dồn dập về hỏi thăm chuyện cháy chợ. Giọng nói bà như nhão ra, mắt rơm rớm nước, trả lời cho qua chuyện, rồi lại thẫn thờ nhìn ngọn lửa đang bốc cao ngất trời. Cả gia đình bà (mẹ và em gái) có 2 ki-ốt bán quần áo, bánh kẹo trong chợ, trên tầng 2. Chị nghẹn ngào: “Khoảng 5 giờ 30, tui chở cháu xuống quảng trường Phạm Văn Đồng, mang theo hoa để tặng các chiến sĩ trong ngày nhập ngũ, khi gần đến khu vực chợ thì thấy khói bốc lên cuồn cuộn. Hoảng quá, tui chạy thẳng tới chợ thì thấy lửa bốc lên sáng rực cả một góc trời. Hàng mới nhập về trên 1 tỷ bạc chứ ít đâu”.
Bà Bùi Thị Mỹ Hoa khóc ngất lên ngất xuống, gạt nước mắt không nói nên lời. Mãi lâu sau, mới ngước đôi mắt đỏ hoe nói: “Giá mà tui không để tiền mặt ở trong chợ, chỉ cháy hàng thì còn tiền kinh doanh. Giờ cháy rụi hết rồi”. Rất nhiều hộ kinh doanh trong chợ để lại tiền mặt ở quầy kinh doanh nên khi xảy ra cháy họ sẽ bị trắng tay.
Chữa cháy chậm?
28 xe chữa cháy được huy động từ 6 đơn vị trong và ngoài tỉnh với trên 100 nhân lực quần thảo trên các ngả đường Quảng Ngãi đánh vật với ngọn lửa nhưng mãi hơn 10 tiếng sau ngọn lửa mới được dập tắt.
Theo bà Lê Thị Kim Hạnh, có quầy bán bánh kẹo góc chợ phía Bắc, lúc bà lên hiện trường khoảng hơn 5 giờ sáng ngọn lửa mới bắt đầu cháy ở khu vực phía Đông chợ. Bà liền vào chợ lấy vòi nước chữa cháy của chợ nhưng nước yếu quá không thể chữa cháy. Hơi nóng cứ hầm hập như lò nung, mùi ngai ngái của các mặt hàng bị cháy thốc vào mặt, tức ngực, khó thở nên bà đành thoái lui trở ra. “Nếu như vòi trong chợ có nước, đường chợ không bị cản trở bởi các ki-ốt mới xây tạm bố trí các hộ chuẩn bị xây chợ mới, các van chờ cấp nước khi có hỏa hoạn được sử dụng cùng lúc cho xe cứu hỏa thì đâu có thiệt hại nhiều thế” - bà Hạnh ấm ức.
Không chỉ bà Hạnh, bà Thương bán rau củ trong chợ cho biết, lúc phát hiện cháy, bà chạy lại kêu bảo vệ nhưng mãi 5 phút sau bảo vệ mới xuất hiện. “Nếu bảo vệ báo sớm thì có lẽ thiệt hại đã không lớn như vậy” - bà Thương tiếc của ngẩn người nhìn vào trong chợ, tại ki-ốt của bà khói đen vẫn bốc lên ngùn ngụt.
Gần như 100% tiểu thương trong chợ cũng phản ảnh việc họ đã phản đối khi thành phố giải tỏa bên đường phía Lê Trung Đình, cho xây dựng các ki-ốt tạm bố trí các hộ bị giải tỏa bên cạnh đường hông của chợ; cho thuê mặt bằng phía trước chợ để gửi xe, cản trở lối đi. Vậy nhưng vẫn được tiến hành và nay khi xảy ra vụ việc mới thấy là… không hợp lý.
Theo Trưởng ban quản lý chợ Trần Quang Vinh, đêm xảy ra hỏa hoạn, nhóm bảo vệ có 7 người thay nhau trực nhưng nguyên nhân cháy và cháy xảy ra từ đâu thì ông chưa nắm được.
Trước những thắc mắc lo ngại về công tác phòng cháy chữa cháy quá bất cập nên thời gian chữa cháy quá lâu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thanh Trang cho biết, trong chợ Quảng Ngãi có 4 van chờ cấp nước ở 4 góc nhưng trụ ở Đông Nam bị mở trộm mất nắp van nên công ty cấp nước không cấp cho van này. Hai van còn lại xe không thể tiếp cận nên phải sử dụng nước từ siêu thị Co.opMart để chữa cháy.
“Hạn chế của chúng ta là do thiếu nước, nếu được cấp đủ nước thì công tác chữa cháy sẽ nhanh hơn”, ông Trang nói. Cũng theo ông Trang thì trong chợ có 2 máy bơm tự động, máy điện và nhiên liệu để bơm phun sương làm mát nhưng chẳng có ai điều khiển máy bơm này hoạt động nên không hạn chế được ngọn lửa…
Đến 17 giờ cùng ngày, vụ cháy chợ Quảng Ngãi đã cơ bản được dập tắt hoàn toàn. Tuy nhiên, những hậu quả nặng nề mà nó để lại thì sẽ còn âm ỉ mãi.
Hỗ trợ ban đầu 14 triệu đồng/tiểu thương Chiều 9-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã họp báo về vụ cháy chợ Quảng Ngãi vào sáng 9-2. |
Một số hình ảnh vụ cháy:
HÀ MINH