
Ra đảo Đá Tây, ngoài cảm phục ý chí can trường của những người lính “đầu đội trời vươn mình chắn sóng”, còn kính phục một cựu binh Hải quân - người đã hồi sinh hàng trăm tàu cá của ngư dân. Ngư dân Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên gọi anh là “kình ngư”, vì anh không chỉ có sức khỏe như “sói biển” mà còn có tấm lòng thương ngư dân như máu thịt, sẵn sàng một mình đi xuồng ra biển cứu tàu, sửa máy cho ngư dân bất cứ lúc nào. Anh là Mai Khả Dục, thợ sửa máy tàu ở Công ty Khai thác dịch vụ hải sản Biển Đông, trên vùng biển đảo Đá Tây, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Cứu dân - mệnh lệnh không lời
Không quản ngại cơn mưa biển đang ầm ầm trút nước, anh Dục đeo kính, miệng cắn đèn pin chuyên dụng lặn xuống biển bịt lỗ thủng dưới đáy tàu. Chừng 4 phút sau anh ngoi lên mặt biển cười, nói với lên: “Lỗ thủng bằng nắm tay thôi. Nút dẻ rồi nhá. Chờ cơn mưa xong sẽ kéo tàu vào bãi cạn là ổn thôi”. Đó là cảm phục đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến công việc thường ngày anh làm - một việc nặng nhọc và vô cùng nguy hiểm, sẵng sàng cướp đi tính mạng bất cứ lúc nào khi dìm mình dưới sóng biển sửa tàu.
48 tuổi đời, 25 năm làm thợ sửa chữa máy tàu cho ngư dân đánh cá khắp vùng biển, đảo Đá Tây, anh Dục không nhớ mình đã sửa chữa cho bao tàu cá của ngư dân bị thủng do đâm phải đá san hô; bao lần lặn xuống đại dương, bất kể lúc bão dông, hay sóng lừng, mưa lớn; bao lần chui xuống hầm tàu tối đen sặc mùi dầu nhớt; nhưng mỗi lần nghe tiếng máy tàu giòn giã trở lại, anh vui như mở cờ trong bụng. “Cứu được một con tàu là cứu được tài sản của họ. Mỗi tàu đánh cá bình quân 30 ngày, nếu bị vỡ máy không khắc phục được, kéo về bờ coi như trắng tay, phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng tiền dầu nhớt, đá lạnh”, anh Dục chia sẻ.

Anh Mai Khả Dục sửa chữa máy cho tàu cá ngư dân
Trong hàng trăm lần cứu tàu gặp nạn ở vùng đảo Đá Tây, có một lần anh không bao giờ quên được. Đó là đêm 2-12-2013. Lúc đó đã gần 10 giờ đêm, tổ sửa máy của anh đang vui văn nghệ mừng 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam thì bất chợt nhận được tín hiệu cấp cứu liên tục từ phía Bắc đảo. Dẫu nhiều lần phi xuồng cứu dân giữa đêm đen, nhưng lần này linh tính mách bảo “phải khẩn cấp kẻo không còn kịp nữa”. Với lấy chiếc áo phao, cuộn dây và bộ đồ lặn, anh cùng nhóm thợ chạy đẩy xuồng ra khỏi mép đảo, nổ máy lao về phía tàu cấp cứu. Giữa biển đêm, chiếc xuồng chuyên dụng cứu hộ chồm lên ngụp xuống trong ngược sóng cấp 6. Chạy được gần một hải lý, bỗng nhiên tiếng “ùng ục, ùng ục”, rồi “khục, khục, khục” phát ra từ máy xuồng, kèm theo mùi khét lẹt. Chưa biết chuyện gì xảy ra, thì xuồng chết máy. Tình huống quá khó khăn, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không khắc phục được máy, trong khi mưa xối xả, nước tràn vào xuồng lúc một nhiều. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Dục nhảy xuống biển, ngụp đầu trong sóng, hai tay sờ vào chân vịt. Đúng như dự đoán, chân vịt bị một vạt lưới quấn bó chặt không quay được. Một đồng đội trên xuồng tát nước, một đồng đội rọi đèn pin, anh Dục dùng dao cắt, gỡ toàn bộ vạt lưới ra khỏi chân vịt. Anh leo lên xuồng nổ máy và lao đến tàu gặp nạn. Khi xuồng của anh áp sát mạn tàu cá, cũng là lúc ngư dân trên tàu hoảng loạn. Người gọi to “hãy cứu chúng tôi với”, người đến đưa tay cho anh bám rồi kéo lên tàu. Chủ tàu Nguyễn Đình Bé quê Quảng Ngãi nói “Tàu bị chẹt lốc máy, nước tràn vào khoang giữa có nguy cơ chìm. Chúng tui đã hết sức nhưng không khắc phục được”.
Nắm được “bệnh” của tàu, không do dự, anh Dục cầm đèn pin đưa lên miệng, tay trái cầm cà lê, tay phải bám vào lan can đi xuống hầm tàu. Giữa khoang máy tối đen như mực, mùi dầu nhớt hộc lên mũi. Không khẩu trang, chẳng bảo hộ, anh Dục hì hục sửa chữa. Sau gần 6 giờ không ngơi tay, khi tiếng máy giòn giã vang lên trong vỡ òa niềm vui sướng của 11 ngư dân cũng là lúc trời vừa sáng. Mặt mũi đen nhèm vết dầu mỡ, từ hầm máy anh Dục nói vọng lên: “Xong rồi nhé. Các bác có thể ra đánh cá ngay sáng nay rồi”. Mắt rưng rưng xúc động, ông Bé cầm tay anh Dục nghẹn nghẹn: “Cảm ơn anh. Nếu không có anh chuyến này chúng tôi đã về trắng tay rồi”. Ông Bé ngỏ ý gửi anh Dục chút tiền bồi dưỡng, anh Dục gạt đi: “Tiền nong gì, tàu nổ được máy là tôi vui rồi. Cứu tàu cũng là nhiệm vụ của chúng tôi mà”.
Ông Phạm Thế Hiển ở phường 3 TP Vũng Tàu, người có 50 năm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa mưu sinh kể lại, tháng 10-2014, tàu cá của ông và con rể đánh bắt ở khu vực biển đảo Đá Tây thì bị bo lốc máy. Mặc dù thợ đã “trổ tài” khắc phục, nhưng con tàu “giở chứng” vẫn im lìm. Không còn cách nào khác, ông Hiển đành cho tàu thả trôi và phát tín hiệu cấp cứu. Hôm ấy, tổ sửa chữa đang ăn cơm trưa, nhưng khi nghe được lệnh cứu tàu, anh Dục bỏ cơm, khoác đồ nghề, cùng 2 đồng nghiệp khác phi xuồng ra biển. Lúc tiếp cận tàu cá của ông Hiển, nước đã tràn vào khoang lái. 14 ngư dân hoảng loạn. Tay bám vào thành tàu, anh Dục leo lên, chạy luôn xuống hầm máy. 14 ngư dân ngồi trên tàu bồn chồn lo lắng. Có người đã nghĩ đến điều xấu nhất có thể bỏ mạng giữa biển khơi. Sau gần 2 tiếng trôi đi căng thẳng, tiếng máy nổ từ hầm tàu tàu giòn giã vang lên. 14 ngư dân ôm nhau trào nước mắt, còn chủ tàu Hiển xúc động chẳng nói nên lời. Để tỏ lòng cảm ơn, ông Hiển xin gửi tiền công nhưng anh Dục không nhận. Anh chỉ xin 2 bịch cá tươi về cho tổ sửa tàu. Hiểu tấm lòng nhân nghĩa anh Dục, ông Hiển lấy giấy bút ghi địa chỉ gia đình ông Hiển ở phường 3 Vũng Tàu và hẹn ngày gặp ở đất liền.
Ông Hiển chia sẻ: “Ngoài đảo khi hỏng máy tàu nếu không có người như anh Dục thì chúng tôi chỉ còn cách là nhờ ghe của người khác kéo về bờ, coi như chuyến đi biển đó công toi, tốn kém ít nhất 200-300 triệu đồng, chưa kể hàng trăm triệu đồng mua đá lạnh và các vật dụng khác trước khi tàu ra khơi. Giữa biển khơi, anh Dục là ân nhân của tụi này”.
Niềm vui sau giọt mồ hôi
25 năm hành nghề cứu tàu trên đảo Đá Tây, anh Dục không nhớ mình đã sửa chữa tàu cho biết bao nhiêu bà con ngư dân. Trên người anh lúc nào cũng lọ lem đầy dầu nhớt, hai bàn tay chai sần, mái đầu điểm nhiều tóc bạc. Nhìn gương mặt sạm đen dạn dày nắng gió biển khơi và đôi mắt đùng đục, lại thêm tiếng nói thô kệch, người ta cứ tưởng tuổi tác anh Dục phải gần 60. Gặp người vui tính, hỏi anh có “bí quyết” gì mà… già dữ vậy, anh Dục cười hiền trả lời triết lý “đó là màu của sóng gió, biển cả”.
Hỏi những khó khăn nhất khi bịt lỗ thủng tàu ngập sâu trong lòng biển, anh Dục cho biết: “Khó khăn nhất là khi máy tàu của ngư dân vỡ chìm trong nước. Lúc đó tôi phải lấy hơi thật dài, lặn xuống mò mẫm tháo máy đưa lên mới có thể sửa chữa được. Có khi ở tận đáy con tàu tối tăm, ánh sáng đèn pin nhỏ như miệng bát, mình phải căng mắt ra nhìn mới vặn được từng con ốc. Dầu nhớt trơn trợt, có khi vặn một con ốc cả chục lần mới thành công. Có lần tàu câu mực của tỉnh Kiên Giang bị hư lốc máy. Vì cố nén hơi để tháo máy một lần, khi ngoi lên mặt nước cũng là lúc tôi ngất xỉu nằm vật ra. Nếu lúc ấy không có người hỗ trợ, giảm áp, ủ nóng thì “ngoẻo” rồi”, anh Dục chia sẻ.
Và cũng theo anh Dục, nghề sửa máy tàu biển nặng nhọc và có thể gặp tai nạn do sức ép của nước hoặc ngạt thở dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào, nhưng phía sau những giọt mồ hôi là niềm vui không bao giờ vơi cạn. Dẫu vẫn hiểu “sinh nghề tử nghiệp” nhưng anh không thể làm lơ khi ngư dân cầu cứu, không thể bỏ mặc ngư dân khi tàu của họ đang bị thủy thần cướp đi tài sản, tính mạng. Bản chất của người lính không cho phép anh thờ ơ trước những con tàu của ngư dân hỏng hóc. Để rồi sau những giờ trầm mình dưới sóng, hoặc mò mẫm dưới hầm tàu, phần thưởng vui nhất giữ lại trong tim anh là những con tàu được hồi sinh. Để mỗi lần nghe tiếng máy tàu kêu giòn giã, trái tim anh lại phập phồng trong lồng ngực. Đó là nhịp đập của niềm vui, là ý nghĩa của cuộc đời người thợ máy tàu 25 năm gắn bó với biển khơi cùng bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.
Gắn đời mình với Trường Sa
Anh Dục sinh ra ở vùng quê nghèo xã Nga Yên, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Năm 1989, tạm biệt quê nghèo, anh lên đường nhập ngũ khoác áo hải quân. Sau những tháng ngày huấn luyện ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), anh được đi học sửa chữa máy tàu ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân Sài Gòn rồi vào Đoàn vận tải Trường Sa 955 ra Trường Sa công tác từ năm 1991. Đảo đầu tiên anh đặt chân đến là Nam Yết, sau đó là Sinh Tồn, Đá Lát rồi về Đá Tây. Trong suốt thời gian ở đây, anh đã cùng đồng nghiệp sửa chữa nhiều tàu ghe của ngư dân bị hỏng máy móc.
Sau thời gian ở đảo Nam Yết, Sinh Tồn, anh Dục được xuất ngũ rồi về làm việc ở Sở Thủy sản Thanh Hóa. Làm ở đây chưa ấm chỗ, nỗi nhớ biển lại cồn cào, nhớ những bước chân vững chãi của những người lính đảo và nhớ cả những lần sửa chữa máy tàu cho ngư dân, thế là anh lại viết đơn tình nguyện xung phong ra Trường Sa. Cuối cùng, anh được điều về Công ty Khai thác dịch vụ hải sản Biển Đông “đóng đô” trên vùng biển đảo Đá Tây để ngày ngày sửa chữa tàu, giúp ngư dân bám biển. “Tôi đã gắn bó với Trường Sa gần xấp xỉ nửa tuổi đời của mình. Tết năm ngoái, tôi trực ở đảo Đá Tây, năm nay, tôi cũng quyết định đón tết trên biển. Nói thật, đón tết xa vợ con nhớ nhà lắm, nhưng không có mình, ngư dân biết làm sao đây khi lốc máy bị vỡ”, anh Dục chia sẻ.
MAI THẮNG