Kinh tế đi lên nhưng đạo đức xã hội đi xuống? ​

Sáng 25-5, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách. Phiên thảo luận kéo dài trong 1 ngày rưỡi, được phát thanh, truyền hình trực tiếp cho cử tri, nhân dân cả nước theo dõi. Đây là một trong những nội dung hấp dẫn của kỳ họp. Ngay từ đầu phiên thảo luận đã có 80 đại biểu đăng ký phát biểu.

Không đấu giá biển số đẹp: lãng phí hàng ngàn tỷ đồng

Trước đó, tại phiên khai mạc sáng 21-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Báo cáo cho thấy, thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5-1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...

Kinh tế đi lên nhưng đạo đức xã hội đi xuống? ​ ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu đầu tiên đã đề xuất giải pháp hạn chế lãng phí trong thực hiện các chính sách mà Quốc hội đã ban hành. Sự chậm trễ trong thực thi đã làm lãng phí, ví dụ chưa thực hiện đấu giá biển số xe công, nếu thực hiện hàng năm thu về ngân sách khoảng 5.000 tỷ đồng khi tiến hành khoảng 12% biển số xe đẹp. Song khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì chỉ nêu đấu giá biển số đẹp, chiếm chưa tới 1% biển số xe đẹp. Ngoài ra, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số tiếp tục với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách. Từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí", ĐB nói và đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.

“Đó là một ví dụ rõ ràng về việc nhiều chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều luật chậm đi vào cuộc sống đã gây lãng phí. Ví dụ luật trưng cầu ý dân đến nay vẫn chưa làm được, nếu có sẽ tập hợp được sáng kiến, trí tuệ, sáng tạo của toàn dân cho sự phát triển”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh nói.

Nhiều chuyện “động trời”

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) băn khoăn về tính bền vững của tăng trưởng cũng như việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án cũng như gây lãng phí lớn, chắc chắn những dự án như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam... sẽ bị chậm. Đề nghị Chính phủ nghiêm túc đánh giá về tình trạng này, không để lặp lại trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân cũng bức xúc về tình trạng bạo lực học đường trong thời gian qua, quan hệ thầy-trò có biểu hiện xuống cấp, phải chăng một phần do quản lý nhà nước có vấn đề? Chính phủ cần nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng cần có giải pháp khắc phục nhanh tình trạng sinh viên thất nghiệp ra trường không có việc làm. Bộ NN-PTNT sớm có giải pháp xây thương hiệu cho nông sản Việt Nam để phát triển ổn định, không để tình trạng như hiện nay thường xuyên phải giải cứu nông sản, thị trường xuất khẩu không ổn định.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đau đáu về tình trạng giải cứu nông sản lặp lại, ông cho rằng nếu không xây dựng chuỗi sản xuất giá trị thì sẽ không thể giải bài toán này.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) ghi nhận những kết quả nổi bật của kinh tế trong năm 2017 cũng như những tháng đầu năm, đúng như báo cáo Chính phủ đã nêu. Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng làm nức lòng nhân dân, chỉ số lòng tin của dân ngày càng được nâng lên, đó là kết quả của toàn hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cử tri, nhân dân bức xúc vì kỷ cương phép nước, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, ngày càng có nhiều vụ "động trời". Những vụ việc vừa qua như trò đánh thầy, thầy bạo hành trò, cô giáo cho học sinh súc miệng bằng nước lau giẻ, thuốc chữa ung thư làm thư than tre... Đó là trăn trở của cử tri, vì nếu kinh tế tăng trưởng mà xã hội bất ổn thì nhân dân rất lo lắng.

ĐBQH cho rằng, kinh tế tăng lên, đời sống người dân có cải thiện, đó là thực tế nhưng đạo đức xã hội lại đang có nhiều vấn đề.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng, cùng với đó là tình trạng lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân, thất thoát, lãng phí rất lớn, dân nói nếu xây dựng ngôi nhà để dân xây thì hết 500-600 triệu đồng, Nhà nước xây hết 1 tỷ đồng mà chất lượng, kết cấu thua xa. Các siêu dự án thua lỗ, nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư cá biệt dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê của tỉnh Ninh Bình điều chỉnh giá trị tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, dân rất bức xúc. Những thực tế đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải kiên quyết hơn trong công tác quản lý, xử lý các sai phạm, không để thất thoát, lãng phí, làm nghèo đất nước.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm những ai gây giải ngân vốn đầu tư chậm.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chỉ ra vấn đề về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, dù đã 2 năm thực hiện nhưng nhiều bất cập ở các bộ ngành, địa phương.  Nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn phát sinh trên 14.000 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công quá chậm. Cùng với đó là nguy cơ nợ công vượt quá ngưỡng an toàn.
Kinh tế đi lên nhưng đạo đức xã hội đi xuống? ​ ảnh 2 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu 

Tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến người dân bức xúc   

Nếu chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, để lấy nguồn cho đầu tư được thực hiện tốt hơn thì chúng ta sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến người dân bức xúc.
Kinh tế đi lên nhưng đạo đức xã hội đi xuống? ​ ảnh 3 Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng tăng thuế quá mức không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn
Sáng 25-5, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc (tỉnh Thái Bình), Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đánh giá 2 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội đã có những bước chuyển biến tích cực, thể hiện trên nhiều mặt. Tốc độ tăng trưởng đã đạt mức trung bình 6,5%/năm, đặc biệt năm 2017, đạt 6,81%, cải thiện đáng kể so với mức 5,9% của giai đoạn 2011-2015.

Về mặt tài khoá, hiện nay, áp lực nợ công vượt trần 65% GDP do Quốc hội quy định cũng đã giảm đáng kể so với vài năm trước đây.

Về mặt an sinh xã hội, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn được kiềm chế ở mức thấp, dưới 4%. Mỗi năm có trên 1,5 triệu lao động có việc làm mới, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Đó là những kết quả rất tích cực.

Mặc dù vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng, những kết quả đạt được nói trên cũng chỉ là thành công ban đầu và chủ yếu nhờ vào các giải pháp mang tính ngắn hạn cộng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ. Ví dụ về tài khóa, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong những năm qua, chúng ta cố gắng cân bằng ngân sách, khống chế nợ công bằng các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các Doanh nghiệp nhà nước. Khi các nguồn này dần cạn kiệt chúng ta phải chuyển sang tăng thu từ thuế.

“Nhưng nếu chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, để lấy nguồn cho đầu tư được thực hiện tốt hơn thì chúng ta sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến người dân bức xúc” - ĐB Vũ Tiến Lộc thẳng thắn.

Vẫn theo Chủ tịch VCCI, tăng thuế quá mức sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Thêm vào đó, có một nghịch lý là, trong khi Chính phủ và các bộ ngành ra sức tìm giải pháp để tăng huy động vốn, thì tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm. Đây là một sự lãng phí lớn.

Lấy ví dụ liên quan đến Quỹ Bảo hiểm xã hội, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu của các quốc gia để thích ứng với tình trạng già hóa dân số. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của vấn đề cân đối thu - chi của Quỹ. Một khía cạnh khác không kém phần quan trọng và cần được quan tâm là hiệu quả hoạt động của Quỹ.

“Nếu khả năng sinh lời của Quỹ Bảo hiểm xã hội không đủ bù đắp được lạm phát cũng như tốc độ tăng lương cơ bản, lương tối thiểu, thì việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng không giải quyết được vấn đề. Tôi chưa thấy các cơ quan chức năng bàn đến chuyện này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chỉ ra.
Về cải cách thể chế, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng so với những chuẩn mực hàng đầu của ASEAN và mong đợi của người dân thì còn khoảng cách quá xa.
“Những câu chuyện cười ra nước mắt chỉ có ở Việt Nam như 1 thỏi sôcôla cõng 13 giấy phép hay chuyện thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi... “, Chủ tịch VCCI chỉ ra. Đồng thời cho rằng, một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó.
Vẫn theo ông Vũ Tiến Lộc, chưa có kế hoạch cải cách tổng thể nhằm giải quyết tận gốc rễ của vấn đề là cơ chế xin - cho. Nếu các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu “luật ống, luật khung” và vẫn cần phải có các nghị định, thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thì tình trạng giấy phép con, cháu và các thủ tục hành chính rườm rà  không những không biến mất mà lại biến tướng, phục hồi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác, đè nặng lên doanh nghiệp. Việc giảm chi phí, cả chính thức và không chính thức, cho người dân và doanh nghiệp sẽ vẫn khó thực hiện triệt để. Sự chững lại của các “ngôi sao cải cách”trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 đã minh chứng cho hiện tượng này.

Chủ tịch VCCI kiến nghị cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, bỏ nhanh chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước của các bộ ngành; đẩy mạnh xã hội hóa và chuyển giao dịch vụ công, trong đó có các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cho xã hội và thị trường; đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội. Các bộ ngành phải thực sự là“kiến trúc sư trưởng” trong cải cách thể chế ở từng lĩnh vực chứ không chỉ hành xử như những “đốc công”.

Tin cùng chuyên mục