Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng nền kinh tế - Bài 3: Trả “sân” cho kinh tế tư nhân

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là cổ phần hóa (CPH) các tập đoàn, tổng công ty. Đây là bước đi quan trọng để cải cách DNNN, đặt khu vực này trước áp lực của thị trường. Và đằng sau đó, điều quan trọng khác cũng không kém là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và DN tư nhân, trả lại cơ hội cho DN tư nhân.

 

 

Sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Kinh Đô. Ảnh: Cao Thăng
Sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Kinh Đô. Ảnh: Cao Thăng
Tuy nhiên trên thực tế, câu chuyện “nhường sân” này là không dễ, khi mà tiến trình này vẫn còn chậm chạp, chưa thực chất.
Sắp xếp cơ học

Trừ vài trường hợp đặc thù, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hầu như không còn DN 100% vốn nhà nước. Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ GTVT tiếp tục CPH những trường hợp đặc thù còn lại, như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC)… Tuy nhiên, công tác CPH, tái cơ cấu DNNN của Bộ GTVT chưa đạt được hiệu quả mong muốn, điển hình là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Sau giai đoạn sắp xếp lại DN, thoái vốn để tập trung vào các ngành nghề cốt lõi (2011-2015), hiệu quả hoạt động của tổng công ty vẫn rất thấp, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 0,54%, kém 16 lần so với trung bình cả khối DNNN. Sản lượng và doanh thu của ngành liên tục giảm mạnh qua từng năm, thị phần vận chuyển hàng hóa và hành khách chỉ còn khoảng 1%.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vũ Anh Minh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện có mô hình khá gọn khi chỉ còn công ty mẹ là Công ty TNHH một thành viên, 24 công ty con đang giữ cổ phần chi phối, 13 công ty liên danh giữ cổ phần dưới mức chi phối. Tuy nhiên, quá trình này thực tế mới chỉ là cắt gọt cơ học chứ chưa thay đổi nhiều trong hoạt động DN. 

Tính lũy kế từ năm 1992 đến tháng 6-2017, cả nước có hơn 4.500 công ty cổ phần hình thành từ CPH DNNN. Tuy vậy, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu, nên Nhà nước vẫn nắm giữ bình quân 81% sở hữu (kế hoạch là 65%), tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).

Bình đẳng cho khu vực tư nhân

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, xét thuần túy về số lượng, hơn 96% số DNNN đã được CPH, nhưng thành tích đó không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh CPH nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả (khu vực DNNN) sang khu vực hiệu quả (tư nhân) khi chỉ có 8% số vốn được Nhà nước chuyển giao cho khu vực tư nhân. Cần phải thay đổi quan điểm, cách tiếp cận, chuyển từ CPH (để giữ lại nhiều tài sản nhà nước) sang tư nhân hóa (chuyển giao nguồn lực cho chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả). Đảng ta đã xác nhận KTTN là động lực phát triển quan trọng nền kinh tế, vì vậy, không hà cớ gì lại tiếp tục duy trì cách làm mang tính “kỳ thị” phân biệt đối xử với DN tư nhân, vừa trái chủ trương của Đảng vừa ngược nguyên tắc thị trường...
PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, DNNN dễ dàng nhận vốn ngân sách hay tiếp cận nguồn vay tín dụng, được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất so với các DN tư nhân.
Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, phải giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước xuống mức sàn theo quy định để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào DN. Theo đó, các bộ ngành, địa phương và DN khẩn trương hoàn thành việc trình, phê duyệt phương án cổ phần hóa 137 DN đã xác định trong Quyết định 58/2016/QĐ-TTg (về Tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó đặt kế hoạch thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các DN không thuộc diện Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ và thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với DN thuộc diện nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Ngoại trừ những DN cần giữ 65% và trên 50% vốn điều lệ, những DN đã CPH khác nên bán toàn bộ cổ phần nhà nước hiện có và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN hoặc dành cho các chương trình hỗ trợ phát triển DN khu vực tư nhân theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân.

PGS-TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DN Tư nhân Việt Nam, khẳng định, cần đẩy mạnh CPH DNNN để DN tư nhân nhỏ và vừa tồn tại, phát triển về số lượng và quy mô. Nhà nước chỉ nắm những DNNN phục vụ an ninh, quốc phòng - những lĩnh vực mà tư nhân không thể làm được hoặc không muốn làm. Bên cạnh đó là chống độc quyền và kiểm soát liên minh kinh tế đang hạn chế cạnh tranh lành mạnh và tự do cạnh tranh, loại bỏ quan hệ thân hữu… 

Để tư nhân thành đối tác của Nhà nước

Dù có những “lùm xùm” liên quan đến các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhưng không thể phủ nhận lợi ích mà các hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) như: BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) mang lại khi ngân sách nhà nước eo hẹp, vốn ODA khó tiếp cận hơn... Giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT huy động khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2%.
Đến nay, đã đưa vào khai thác 55 dự án BOT với tổng đầu tư 137.819 tỷ đồng. Dù vậy, theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quy định pháp luật về PPP hiện vẫn nằm rải rác trong Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, cùng nhiều văn bản khác…
Trong đó, Nghị định 15/2015/NĐ-CP hiện được các cơ quan căn cứ vào để thực hiện PPP, có những nội dung quan trọng không thống nhất với 3 luật nêu trên. Chẳng hạn, về góp vốn chủ sở hữu của DN dự án, Nghị định 15 quy định DN góp vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án, trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 lại yêu cầu góp đủ vốn trong 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN. Hoặc với BOT, theo Luật Doanh nghiệp 2014, DN có quyền định đoạt phần vốn chủ sở hữu của mình, song Nghị định 15 lại quy định việc chuyển nhượng vốn chủ sở hữu trong dự án BOT phải được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước chấp nhận, có nghĩa là quyền định đoạt đối với dự án BOT thuộc về Nhà nước. Những bất cập về pháp lý này cần được khắc phục để khuyến khích tư nhân tham gia vào các dự án PPP. 

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Do cách hiểu và nhận thức chưa rõ nên quá trình thực hiện các dự án theo hình thức PPP có những chỗ bị méo mó, thậm chí bị lợi dụng để thu lợi bất chính. Nếu không rút được kinh nghiệm từ quá trình thực hiện dự án BOT thì với phương thức như BT còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, bởi dự án BT không có sự giám sát của người dân, chỉ có quan hệ giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước. Nguy cơ tham nhũng là rất lớn, nếu không đảm bảo tính minh bạch và thiếu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra một cách hiệu quả. Do vậy, sau khi đã tính toán hiệu quả đầu tư cho cả vòng đời dự án, Chính phủ chỉ cần tập trung quản lý, giám sát và hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện hợp đồng, đảm bảo đầu ra của dự án là dịch vụ công. Chất lượng và hiệu quả của công trình/dự án phải tính trong 20 - 30 năm, với hiệu quả là tổng hợp của đầu tư ban đầu và quá trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng. 

Dĩ nhiên, để hái được “quả ngọt” PPP, nhà đầu tư cũng phải tự thay đổi theo hướng vươn lên trở thành nhà đầu tư đúng nghĩa. Cụ thể trong 1 dự án PPP, nếu có khả năng thì làm luôn nhà thầu; nếu không, thuê nhà thầu khác thực hiện. Thông thường, nhà đầu tư không làm mọi việc, mà phải thuê nhà thầu làm một số công đoạn nào đó. Nhà đầu tư/nhà thầu có thể thi công tốt một tuyến đường, nhưng chưa chắc thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng. Họ có thể xây dựng nhà máy điện, nhưng khâu phân phối, vận hành nhà máy sẽ phải cần các nhà phân phối, vận hành chuyên nghiệp khác.
 
“Điều quan trọng nhất khi tái cơ cấu DNNN là sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho khu vực tư nhân tham gia trong việc mua cổ phần, có cơ hội để trở thành nhà đầu tư chiến lược của DNNN, góp phần thay đổi cách thức quản trị, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Quá trình rút lui của DNNN phải là quá trình tiến lên của DN tư nhân để trở thành động lực của nền kinh tế” .
VŨ TIẾN LỘC
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
“Phải cải cách DNNN để tạo dư địa, cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư, DN kinh tế tư nhân. Thực chất, đây là sự phân bố lại nguồn lực cho hợp lý, chuyển nguồn vốn sang khu vực tư nhân” 
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

----------------
(Bài 4: Tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân) 

Tin cùng chuyên mục