Ngành công thương cần tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu

(SGGP).- Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành công thương Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của ngành công thương trong thời gian qua.

Theo Thủ tướng, thời gian tới tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước trở nên quyết liệt hơn. Trong khi đó, ở trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Trong lĩnh vực công thương, sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đang khó khăn; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; chất lượng công nghệ, an toàn thấp; công tác xúc tiến thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng gian lận thương mại, hàng giả vẫn gia tăng… Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành công thương cần tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, có sức cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm, từng bước thực hiện giải pháp để giảm việc gia công, lắp ráp, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với một số ngành phát triển; rà soát, đánh giá và kiên quyết loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, bảo vệ môi trường, thua lỗ, mất vốn…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu ngành công thương cần đẩy mạnh triển khai hành động chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa 2011-2020 định hướng đến 2030; đẩy mạnh xuất khẩu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, chú trọng nâng cao hiệu quả thị trường trong nước, nhất là các kênh phân phối lớn, ngăn chặn buôn lậu, thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, ngành cũng cần triển khai tốt việc cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện vượt mức chỉ tiêu xuất khẩu và sản xuất công nghiệp năm 2016; tiếp tục triển khai cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam tốt hơn nữa.

“Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam; khẩn trương rà soát những văn bản chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi… cho doanh nghiệp và người dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tính trong 20 năm trở lại đây (từ 1996-2015), ngành công thương đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đóng góp hơn 80% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước hàng năm, tạo việc làm trực tiếp cho hàng triệu lao động. Về phát triển công nghiệp, nhiều ngành đã có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có kim ngạch xuất khẩu khá và đang tiếp tục lớn mạnh như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, hóa chất, cơ khí… và ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như dệt may, giày dép, thực phẩm. Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu từ mức tổng giá trị đạt hơn 3 tỷ USD vào năm 1986, đã tăng hơn 100 lần, đạt 327 tỷ USD năm 2015.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục