Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020): Nhớ nhà thơ Tố Hữu

Đầu năm 1998, nhà thơ Tố Hữu cùng phu nhân - bà Vũ Thị Thanh đến thăm Báo SGGP. Buổi tiếp nhà thơ Tố Hữu diễn ra trong bầu không khí vừa trân trọng vừa hết sức thân tình, đầm ấm. Bởi, dù không nói ra nhưng trong anh chị em chúng tôi, ai cũng cảm thấy thật là vinh dự khi được tìm hiểu và trò chuyện với ông - một chiến sĩ cộng sản, một nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, một nhà thơ cách mạng hàng đầu của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20.

Đối với những người lớn lên trong nhà trường, nhất là với các anh chị từng lớn lên, học hành và trưởng thành từ miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại năm 1954 thì từ lâu đã được tiếp cận thơ Tố Hữu. Thơ của ông đã trở thành niềm cảm hứng lý tưởng và tình yêu đất nước, là nguồn năng lượng để phấn đấu tiến bộ.

Thơ Tố Hữu đi vào lòng bao lớp thanh niên: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim cho đến Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Và cả lời chỉ dẫn tình cảm ngày nay: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn! Thơ Tố Hữu đã có tác dụng lâu bền dẫn dắt tinh thần cho chúng tôi. Vậy nên, ai cũng hào hứng lắng nghe và hỏi chuyện với ông.

Nhà thơ Tố Hữu nói về những cảm nhận vui từ chuyến thăm miền Đông gian lao mà anh dũng thuở nào, giờ đang thay da đổi thịt, tươi vui, thấm đậm tình người. Ông trao đổi với anh chị em chúng tôi về tình hình đất nước, cơ hội và thách thức. Đến cả chuyện thơ văn Làm ăn hai chữ quen mà lạ/Thế sự nhân tình rõ trắng đen! Ai cũng chăm chú lắng nghe, có anh chị còn tò mò muốn nghe nhà thơ đọc “thơ không xuất bản”, ông cũng vui vẻ đọc tặng mấy câu.

Kết thúc cuộc gặp, anh chị em chúng tôi cùng vợ chồng nhà thơ Tố Hữu chụp chung những bức ảnh lưu niệm. Bất ngờ, anh Vũ Ân Thy, Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ của báo thời điểm đó bước đến trước nhà thơ Tố Hữu, tha thiết nói: “Cháu xin được ôm bác”. Nhà thơ Tố Hữu cười, dang rộng đôi cánh tay, hai người ôm chặt nhau... Cuộc gặp ấy để lại cho chúng tôi nhiều lưu luyến. Và với nhà thơ Tố Hữu, trong thư gửi cho tổng biên tập sau đó, ông đã có viết rằng: Hôm gặp mặt anh em ở báo, tôi rất vui và nhớ mãi.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020): Nhớ nhà thơ Tố Hữu ảnh 1 Nhà thơ Tố Hữu và phu nhân trong lần đến thăm Báo SGGP

Từ sau cuộc gặp với anh chị em chúng tôi tại báo, từ đầu năm 1998 đến đầu xuân năm 2000, nhà thơ Tố Hữu đã gửi cho Báo SGGP tám bài thơ, thể hiện niềm tin yêu của nhà thơ đối với tờ báo của Đảng bộ TPHCM. Đó là các bài Vạn xuân, Người mẹ nuôi, Nhớ về Đồng Nai, Hưng Đạo Vương và bà hàng nước, Biển mở, Êmily và mẹ An, Cùng miền Trung và quê hương, Chào mừng năm 2000.

Điều khiến chúng tôi càng trân trọng, yêu quý nhà thơ Tố Hữu là mỗi lần gửi thơ đăng báo, nhà thơ đều gửi kèm theo một bức thư riêng cho tổng biên tập góp ý, căn dặn những điều cần thiết để tờ báo ngày càng gần gũi với nhân dân. Trong thư gửi ngày 22-12-1999, ông viết: “Tôi vẫn thường đọc Sài Gòn Giải Phóng, có nhiều bài viết tốt về những vấn đề thời sự. Nếu tăng thêm tính chiến đấu, phê phán những mặt tiêu cực trong nội bộ và xã hội, ảnh hưởng đến quần chúng càng lớn”.

Nhiều lần, nhà thơ Tố Hữu còn viết trong thư, nói rõ bối cảnh hoặc ý định, tư tưởng sáng tác bài thơ nhằm giúp tòa soạn biên tập, xử lý bản thảo dễ dàng hơn. Điều này thể hiện mối quan tâm rất cụ thể, chu đáo của ông đối với chúng tôi. Như trong bức thư gửi kèm theo bài thơ Biển mở, nhà thơ Tố Hữu tâm sự: “Tỉnh ủy Quảng Ninh có mời tôi ra chơi, song tôi lại rất buồn vì nỗi nhiều công nhân mỏ thất nghiệp do không bán được than tồn kho hơn bốn triệu tấn. Chính phủ mới bước đầu giải quyết một phần việc làm cho anh em thợ mỏ đỡ đói, song còn khó lắm. Tôi viết Biển mở trong tâm trạng lo âu và mong ước hạnh phúc sẽ đến cho công nhân mỏ đã khổ từ lâu”.

Một ngày đầu xuân năm Canh Thìn 2000, chúng tôi đến gặp nhà thơ Tố Hữu đang nghỉ tại quận 4, TPHCM trước khi ông trở về Hà Nội, để trao nhuận bút bài thơ Chào mừng năm 2000. Cuối buổi trò chuyện, nhà thơ Tố Hữu hào hứng nói về dự báo trong phần kết bài thơ Chào mừng năm 2000, bằng lời thưa với Bác Hồ: Thế kỷ hai mươi mốt tới đây/Có thể là thế kỷ rồng bay/Bảy mươi lăm triệu con Hồng cháu Lạc/Đoàn kết nhau, nhất trí, vững tay/Nhất định sẽ dựng xây/Tổ quốc ta ngày nay/Ngang tầm thời đại.

Tin cùng chuyên mục