Kỷ niệm 64 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2009): Trở lại Cột cờ Thủ Ngữ

“Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”. 64 năm trước, trong biển người Sài Gòn - Gia Định xuống đường, hình ảnh của những đội cảm tử quân với súng săn, chai xăng, dao găm hòa trong rừng tầm vông vạt nhọn đã làm nên một Nam bộ kháng chiến bất tử.
Kỷ niệm 64 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 – 23-9-2009): Trở lại Cột cờ Thủ Ngữ

“Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”. 64 năm trước, trong biển người Sài Gòn - Gia Định xuống đường, hình ảnh của những đội cảm tử quân với súng săn, chai xăng, dao găm hòa trong rừng tầm vông vạt nhọn đã làm nên một Nam bộ kháng chiến bất tử.

        Hào hùng...

Vào rạng sáng 23-9-1945, lời hiệu triệu đồng bào Nam bộ kháng chiến của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã ra đời và trở thành dấu son mở đầu cho trang sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai của nhân dân ta.

Vào tháng 10-1865, người Pháp cho dựng Cột cờ Thủ Ngữ. Từ “Thủ Ngữ” có nghĩa là Sở Canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi.

Ngay từ sáng 23-9, các đội tự vệ chiến đấu, thanh niên xung phong, công đoàn xung phong đã chống trả quyết liệt quân địch tại Dinh Đốc lý (trụ sở UBND TP hiện nay), đường Vécđun (đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay), đường Nôrôđôm (đường Lê Duẩn hiện nay)… Đặc biệt là cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt ở Cột cờ Thủ Ngữ.

Ngay dưới chân Cột cờ Thủ Ngữ, một tiểu đội tự vệ chiến đấu của ta vốn được trang bị mỗi một khẩu súng săn, dao găm, lựu đạn tự chế đã ngoan cường chống trả một đại đội quân Anh được trang bị vũ khí hiện đại và đầy đủ. Với lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ nên trước hỏa lực mạnh của kẻ thù từng chiến sĩ của tiểu đội đã lần lượt ngã xuống, anh dũng hy sinh dưới chân Cột cờ Thủ Ngữ…

Theo tư liệu lịch sử, trước khi kéo cờ Anh lên Cột cờ Thủ Ngữ, viên sĩ quan chỉ huy người Anh đã ra lệnh cho cả đại đội bồng súng chào những đối thủ mà họ vừa tiêu diệt. Có lẽ sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ tiểu đội tự vệ chiến đấu của ta cũng khiến cho đối phương phải trân trọng.

Ông Nguyễn Tấn Hoài, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Quân giới Nam bộ (B2), nguyên là cảm tử quân trong những ngày Nam bộ kháng chiến, nhớ lại: “Vào thời điểm đó, những trận đánh lịch sử của quân dân Sài Gòn - Gia Định ở Thị Nghè, cầu Kiệu, Bàn Cờ và đặc biệt là sự hy sinh của tiểu đội tự vệ tại Cột cờ Thủ Ngữ càng làm cho anh em chúng tôi tiếp thêm sức mạnh để cầm tầm vông tiến lên phía trước. Còn nhớ, trước khi bước vào một trận đánh, chúng tôi đều cùng bày tỏ lòng quyết tâm sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, noi gương những chiến sĩ cảm tử ở Cột cờ Thủ Ngữ, Thị Nghè…”.

Cột cờ Thủ Ngữ giữa công trường xây dựng đại lộ Đông Tây.

Cột cờ Thủ Ngữ giữa công trường xây dựng đại lộ Đông Tây.

        Sẽ sớm trùng tu xứng đáng

Chiều 22-9-2009, chúng tôi tìm đến Cột cờ Thủ Ngữ - chứng tích hào hùng gắn liền với những ngày lịch sử mùa thu năm 1945 năm xưa. Đường vào cột cờ thật khó khăn. Vừa đến khu vực cầu Khánh Hội, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, chúng tôi đã nhìn thấy ngay Cột cờ Thủ Ngữ sừng sững giữa công trình dở dang của dự án đại lộ Đông - Tây. Trừ cây cột cờ cao vút, khu vực tường của chân cột cờ nay có nhiều vết nứt nham nhở...

Đáng tiếc, chứng tích lịch sử ngay tại trung tâm thành phố này còn chưa được các cơ quan chức năng và người dân quan tâm đúng mức. Anh Nguyễn Thanh Thản kể, 10 năm nay kể từ khi anh làm nhân viên bảo vệ của Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM), anh thấy không mấy người hỏi thăm, tìm đến địa danh này.

Được biết, tháng 4-2009, UBND TPHCM đã giao Sở GTVT bàn giao khu vực đất thuộc cảnh quan Cột cờ Thủ Ngữ cho Sở VH-TT-DL quản lý để trùng tu sửa chữa và tôn tạo công trình; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện hạng mục xây dựng bờ kè dọc sông tại khu vực di tích phù hợp tiến độ và tính chất bảo tồn của công trình. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài những lần đến đo đạc thì đến nay, việc trùng tu sửa chữa hay tôn tạo công trình hầu như vẫn chưa được thực hiện.

Cột cờ Thủ Ngữ chính là một trong những chứng tích lịch sử Nam bộ kháng chiến rất đáng được bảo quản và tôn tạo để lớp lớp người dân TPHCM biết được những chiến tích hào hùng của quân dân Sài Gòn - Gia Định. Ngay từ bây giờ, khi công trình thi công đại lộ Đông - Tây chưa hoàn thành, thiết nghĩ, Sở VH-TT-DL cần bắt tay ngay vào thực hiện việc đầu tư trùng tu di tích Cột cờ Thủ Ngữ. 

ÁI CHÂN - THẠCH THẢO

Tin cùng chuyên mục