
Phân hóa tốt, không “mưa” điểm 10
Phát biểu tại hội nghị, GS-TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, phổ điểm năm nay “đẹp”, có độ phân hóa cao, phản ánh sát năng lực học sinh. Dù dư luận sau kỳ thi cho rằng đề Toán và tiếng Anh khó, nhưng phổ điểm thể hiện tính hợp lý, đáng tin cậy để các trường đại học xét tuyển.
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), đánh giá đề thi có tính phân hóa cao, không dễ đoán hay khoanh bừa. Nhiều tỉnh từng có điểm yếu như An Giang đã có học sinh đạt điểm 10, cho thấy hiệu quả bước đầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

GS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), và GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đều khẳng định đề thi năm nay đã tiến gần hơn đến việc đánh giá năng lực thực chất, đặc biệt là ở các môn tự chọn. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn duy trì trên 99%, điểm xét tuyển đủ độ phân tầng phục vụ tuyển sinh đại học.
Không nên "đồng phục" điểm số
PGS-TS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng kết quả điểm thi là “bất ngờ và yên tâm” vì không gây sốc như dự đoán, vẫn bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp cao, nhưng phổ điểm đủ phân hóa. Môn Toán và tiếng Anh đều có số điểm 10 cao nhưng điểm trung bình không quá lệch, cho thấy sự phân bố hợp lý.
Ông cho rằng, môn tiếng Anh năm nay có phổ điểm “rất đẹp”, dù chỉ hơn 300.000 thí sinh dự thi. Việc chọn môn tự chọn đúng sở trường giúp phổ điểm bám sát thực lực, phù hợp chuẩn đầu ra B1 theo chương trình mới, tiệm cận đề thi quốc tế.

“Kết quả điểm thi theo tôi là rất đáng mừng. Mừng vì kết quả không bị sốc, bởi tôi nghĩ là sẽ sốc hơn, phổ điểm phân hóa rõ hơn nữa, đặc biệt là môn Toán, môn Tiếng Anh”, PGS-TS Nguyễn Đình Đức nêu ý kiến. Điểm thi cũng đã phản ánh rõ chất lượng dạy và học của các địa phương, các địa phương sẽ nhìn vào kết quả thi để biết mình “đang đứng ở đâu”.
GS-TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục, cho rằng phổ điểm năm nay đáp ứng tốt yêu cầu xác nhận trình độ phổ thông và xét tuyển đại học. Nếu đề quá dễ sẽ dẫn đến “đồng phục điểm số”, thiếu công bằng với học sinh giỏi và làm mất niềm tin của các trường đại học.
Khẳng định hướng đi “học thật, thi thật”
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên học sinh được tự chọn các môn theo năng lực, trừ hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Kết quả phân hóa tốt là minh chứng cho định hướng đúng đắn của chương trình giáo dục phổ thông mới: học thật – thi thật – đánh giá đúng năng lực. Bộ sẽ tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện công tác thi cử trên tinh thần cầu thị.
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được Bộ GD-ĐT công bố vào 8 giờ ngày mai, 16-7.
Ninh Bình dẫn đầu nhiều môn thi
Theo công bố của Bộ GD-ĐT, Ninh Bình là địa phương dẫn đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn Toán, Tin học và Địa lý.
Top 10 tỉnh/thành có điểm trung bình môn Toán cao nhất gồm: Ninh Bình, Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Phú Thọ. Trong khi đó, Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên và Đắk Lắk dẫn đầu về số lượng thí sinh đạt điểm 10 môn Toán.
TPHCM cũng là địa phương có số lượng điểm 10 môn Vật lý cao nhất cả nước, với 634 bài thi đạt điểm tuyệt đối.