Sau vụ thuốc kháng sinh Augmentin (loại hàm lượng 457mg/5ml và 156mg/5ml) bị cơ quan y tế Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc) buộc thu hồi và dừng sử dụng do nhiễm chất làm dẻo, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng vì hiện nay nhiều loại kháng sinh tương tự, thậm chí liều cao vẫn lạm dụng cho trẻ em.
Đi khám là... uống kháng sinh
Tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, anh Trần Ngọc Lãnh (ngụ Tân Thuận Đông, quận 7) có đứa con trai gần 2 tuổi cũng băn khoăn: “Mấy hôm trước cháu sốt cao, đi tiêu phân lỏng, nổi mẩn đỏ và ho. Đi khám bác sĩ bảo viêm hô hấp trên và sốt phát ban nên kê toa kháng sinh cho uống. Cháu có bớt nhưng chưa khỏi hẳn”.
Tuy nhiên, điều anh Lãnh lo lắng là những lần khám trước bác sĩ cho kháng sinh liều nhẹ nhưng lần này cho liều cao hơn. Trong đó có kháng sinh Augmentin 250mg/31,25mg dạng bột pha huyền dịch cho trẻ uống. Theo một bác sĩ khoa khám dịch vụ BV Nhi đồng 2, đó là những trường hợp điều trị thông thường và những loại kháng sinh được dùng ở “hạng” nhẹ. Nhiều trường hợp phải xài “đô” mạnh hơn mới nhanh khỏi bệnh…
Tìm hiểu cho thấy, kháng sinh vẫn là loại thuốc “đầu tay” của nhiều bác sĩ khi lựa chọn điều trị các bệnh hô hấp, tiêu chảy và các viêm nhiễm ở trẻ. Thế nhưng, không ít trường hợp lạm dụng quá mức.
Điển hình như trường hợp chị Đoàn Thanh Thúy (ngụ quận 3, TPHCM) đã đưa con đến khám tại một phòng mạch tư trên đường Cách Mạng Tháng Tám và được chỉ định dùng kháng sinh Tafurex dạng tiêm - một loại kháng sinh mạnh.
“Con gái tôi chưa tới một tuổi được chẩn đoán bị viêm phổi, khi đến khám bác sĩ chẳng cần hỏi tuổi và cân nặng của bé mà ghi ngay đơn thuốc có kháng sinh Tafurex dạng tiêm. Tiêm 4 ngày không đỡ, đi khám lại, bác sĩ bảo hen phế quản, phải tiêm kháng sinh liều cao thêm 3 ngày nữa”, chị Thúy nói. Quá hoang mang, chị Thúy đưa con vô BV Nhi đồng 2 thì bác sĩ kết luận viêm phổi do virus, chỉ cần uống thuốc si rô và kháng sinh Cefaclo là khỏi.
Ghi nhận ngày 24-6 cho thấy, hiện đang chuyển mùa thời tiết nên các bệnh hô hấp, viêm phế quản ở trẻ khá phổ biến. Tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TPHCM, có tới hàng trăm bé đến khám và nhập viện do các bệnh trên. Trong đó, đa phần các cháu được chỉ định uống kháng sinh các nhóm như Cefixime, Cefaclo, Ery, Zinat. Vấn đề ở chỗ, nhiều phụ huynh cho biết uống thuốc được 5-7 ngày thì khỏi, sau đó 7-10 ngày lại bị tái phát. Có cháu lần lâu nhất mà không phải dùng kháng sinh là khoảng 15 ngày. Còn lại cứ đi khám là… uống kháng sinh.
Lờn thuốc và chậm phát triển
Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng kháng sinh vẫn bừa bãi. “Có thể vì muốn trẻ nhanh hết bệnh nên dùng kháng sinh nhưng không phải cứ bệnh gì cũng dùng. Có những bệnh hắt hơi sổ mũi chỉ cần uống si rô vài ngày là khỏi hoặc tự khỏi nhưng vẫn cho uống kháng sinh là không nên”, BS Ngọc nói.
Sự thật, nhiều phụ huynh có thói quen đi mua thuốc không cần toa, trong khi kháng sinh là loại thuốc bán theo toa. Vả lại các nhà thuốc cũng bán mà không thắc mắc gì. Nhưng đó là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của phụ huynh nhưng trách nhiệm thuộc về bác sĩ và dược sĩ.
Theo một lãnh đạo BV Nhi đồng, không ít phòng mạch tư vì muốn lấy uy tín nên hễ cứ có bệnh nhi là “dùng” kháng sinh ngay để nhanh khỏi bệnh. Nhiều bác sĩ chẳng cần hỏi trẻ có tiền sử bệnh gì, đã sử dụng thuốc gì, cứ thế kê đơn. Sau ít ngày không đỡ lại thêm kháng sinh mới hoặc đổi thuốc mạnh hơn.
Theo các chuyên gia y tế, hơn 70% bệnh nhân dị ứng do dùng kháng sinh, trong đó có không ít trẻ em. Sốc phản vệ do dùng kháng sinh là tai biến nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong. Nhiều trường hợp dị ứng thuốc gây giảm hồng cầu, bạch cầu, thiếu máu huyết tán, xuất huyết giảm tiểu cầu, tổn thương tế bào gan...
Hoặc trẻ dùng kháng sinh nhiều lần, mỗi lần tăng độ mạnh gây lờn thuốc. Lúc đó, thuốc chẳng những không trị được bệnh mà còn góp phần tăng sức công phá của vi khuẩn, gây các bệnh khác.
Ths-BS Bùi Nguyễn Đoan Thư, Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 TPHCM, khuyến cáo viêm hô hấp trên là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân thường do siêu vi gây nên. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, ho, sổ mũi, khàn tiếng… Nếu không có biến chứng, trẻ sẽ khỏi bệnh sau khoảng 5-7 ngày, cho dù có dùng kháng sinh hay không.
Tuy nhiên, khi bị nhiễm siêu vi, sức đề kháng tại chỗ vùng tai mũi họng thường giảm nên có thể bị bội nhiễm vi trùng. Trong trường hợp này, điều trị kháng sinh đem lại hiệu quả tốt. Kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ ngày, nếu không sẽ dễ gây lờn thuốc về sau.
NGỌC HƯƠNG