Sáng 8-11, tại buổi tọa đàm khoa học “Người thầy - nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo” nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2012) do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến tâm huyết đã bàn thảo, đề xuất các giải pháp chăm lo, đãi ngộ tương xứng để nâng cao vai trò, vị trí của người thầy trong thời hội nhập toàn cầu.
Vẫn chọn nghề giáo
Nghề dạy học một nghề đặc thù bởi lẽ sản phẩm của giáo dục là con người và nguồn nhân lực chất đạt chuẩn này sẽ tác động vào quá trình phát triển, hội nhập quốc tế nhanh của quốc gia đó. Thực tế đã minh chứng rằng thầy giỏi thì có thể làm cho quốc gia hưng thịnh và ngược lại. Vai trò, vị trí của người thầy quan trọng như vậy nên xã hội không chỉ tôn kính mà còn kỳ vọng, đòi hỏi họ phải có chuẩn mực, nhân cách, phẩm chất, kiến thức chuyên môn sâu rộng và năng lực sư phạm… Nhiều ý kiến cho rằng, để dạy dỗ, giáo dục các thế hệ báu vật - con cái của mỗi gia đình - tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, thầy giáo phải hội đủ 3 chữ: tâm - tài - đức. Trong xu thế toàn cầu hóa, người thầy còn là ngọn hải đăng định hướng, trang bị cho học sinh kỹ năng, hành trang kiến thức, ngoại ngữ để tự tin hội nhập vào môi trường lao động quốc tế.
Hiểu rõ trọng trách nặng nề mà xã hội giao phó, nhiều thế hệ thầy giáo đã vượt qua hoàn cảnh, rào cản cuộc sống, hết lòng vì nghề, vì đàn em thân yêu. Vượt lên chính mình, nhiều giáo viên ở vùng sâu vùng xa không quản ngại cực nhọc, thiếu thốn cố gắng gieo từng con chữ, truyền kiến thức cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số. Vậy điều gì trở thành động lực để người thầy vượt qua mọi trở ngại này khi mà nghề giáo được định vị là thanh tao, không thể giàu sang phú quý…? “Đó chính là tin - yêu - tinh thần trách nhiệm” - PGS-TS Nguyễn Tấn Phát đúc kết từ 50 năm công tác trong ngành giáo dục.
Cũng theo ông, nếu bước vào bất cứ nghề nào, nhất là nghề sư phạm mà toan tính nhỏ nhen, không thật tâm muốn khám phá và cống hiến cho vẻ đẹp của nghề mình chọn thì không bao giờ biết tin, biết yêu và biết trách nhiệm với nó. Và không thể ghi nhận hết sự tin yêu, sự cống hiến thầm lặng của các thế hệ thầy cô giáo dành cho sự nghiệp giáo dục qua các thời kỳ. Sau mỗi lớp phủ dày của phấn trắng, bảng đen phai màu, bao thế hệ trẻ Việt Nam đã thành người, thành tài, góp sức vào công cuộc đổi mới đất nước.
Xúc động khi kể về cái duyên sâu đậm - gắn kết mình với nghiệp “trồng người”, thầy Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung huyện Củ Chi TPHCM, đã khiến hội trường lắng đọng, cảm kích. Từ tấm gương soi - dấu ấn khó phai của những người thầy tận tâm với nghề giáo, luôn dìu dắt, nâng đỡ ông thời còn là học sinh, sinh viên, thầy Cải đã nguyện theo nghề phấn trắng, tiếp tục sự nghiệp “trồng người” góp thêm cho đời nhiều hoa thơm, trái ngọt. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, tận tụy với học sinh thân yêu, thầy đã cảm nhận được giá trị lớn lao, giàu ý nghĩa mà nghề giáo mang lại.
Lời bộc bạch: “Nếu được chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn chọn nghề giáo” của thầy khiến ai đó toan tính được mất khi chọn nghề phải suy ngẫm. Cũng như nhiều nhà giáo khác, thầy Cải nhận thấy giá trị cao cả của nghề chính là “có một nghề không trồng cây vào đất. Nhưng nó lại cho đời những đóa hoa thơm”.
Đòi hỏi cao - đãi ngộ chưa tương xứng
Có thể nói hơn 100 tham luận, ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm đều đánh giá cao vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội và khẳng định đây là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo trước yêu cầu đổi mới căn bản - toàn diện nền giáo dục quốc dân. Nghề giáo được tôn vinh, được đúc kết bằng những ngôn từ rất đẹp, rất nên thơ. Và để nghề giáo xứng đáng với sự kỳ vọng, tôn vinh này, xã hội cũng đòi hỏi chuẩn mực ngày càng cao của người thầy. Đó chính là áp lực, thách thức không nhỏ. Bên cạnh những hình ảnh đẹp, những tấm gương sáng của người thầy vẫn còn nhiều điều khiến xã hội trăn trở, bức xúc. Lạm bàn về năng lực, đạo đức, phẩm chất người thầy thời nay, nhiều ý kiến nêu ra những trì trệ, hạt sạn đang làm hoen ố hình ảnh người thầy. Đó là những việc làm thiếu gương mẫu, tiêu cực “ép học thêm” bằng mọi giá, lạm thu ở trường học, mua điểm, xúc phạm học sinh, chạy theo bệnh thành tích… Đề cập đến hiện tượng bát nháo trong giáo dục hiện nay, PGS-TS Phan Xuân Biên đặt vấn đề: “Không biết có bao nhiêu phần trăm trong đội ngũ thầy cô giáo của các cấp học hiện hành xứng danh là “sư hinh” và bao nhiêu sinh hư như nhận định của Bác cách đây nửa thế kỷ”. Từ những tấm gương sáng của các vị tiền nhân, lời dạy của Bác về danh hiệu người thầy, chúng ta phải suy nghĩ về trọng trách cao quý của người thầy.
Bên cạnh những trăn trở, ưu tư này, nhiều ý kiến cũng cho rằng uy tín của người thầy đang có dấu hiệu giảm sút một phần do họ phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều cách, do giáo dục chưa được coi là quốc sách và người thầy chưa được trả lương tương xứng với cống hiến, đóng góp của họ cho xã hội. Nhiều kiến nghị cho rằng muốn tạo ra sự chuyển biến về chất cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thì ngoài các giải pháp thay đổi nhận thức, có hành động quyết liệt thì việc xây dựng chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi đúng với đặc thù lao động của họ là cấp thiết.
Kết thúc buổi tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư ghi nhận những ý kiến trải lòng, những kiến nghị, giải pháp đầy tâm huyết của các nhà giáo, quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu đối với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, trong đó có mục tiêu chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, đồng hành của xã hội đối với ngành sư phạm và những việc phải làm, phải đầu tư một cách căn cơ, bài bản cho ngành “trồng người”.
Đồng chí Thân Thị Thư cũng trăn trở khi chủ trương của ngành sư phạm là thu hút người tài, người có năng lực nhưng thực tế chưa làm được. Tuy nhiên, vượt qua mọi tác động, với niềm đam mê nghề nghiệp, với trách nhiệm cao cả, hình ảnh người thầy vẫn tỏa sáng.
| |
Khánh Bình